Cơ quan báo chí, xuất bản ngành Tài chính đổi mới, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu trong bối cảnh mới

Ngày 29/9/2023, Khối thi đua 2 - đơn vị sự nghiệp Bộ Tài chính tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực tài chính. Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Phạm Văn Hoành - Tổng biên tập Tạp chí Tài chính, ông Phan Ngọc Chính - Giám đốc Nhà xuất bản Tài chính đồng chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang đặt ra yêu cầu cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao hoạt động của các cơ quan báo chí nói chung và báo chí ngành Tài chính nói riêng.

Do đó, hội thảo cần tập trung thảo luận, trao đổi đề ra những giải pháp để các cơ quan báo chí, xuất bản ngành Tài chính quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.

Công tác tuyên truyền của ngành Tài chính đã có nhiều bước chuyển

Chia sẻ tại hội thảo, các đơn vị đều đồng tình rằng, công tác thông tin tuyên truyền của ngành Tài chính thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các cơ quan báo chí ngành Tài chính luôn nâng cao tính chủ động và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong công tác thông tin, tuyên truyền. Cơ quan báo chí đã kịp thời đăng tải đầy đủ các thông tin về cơ chế chính sách tài chính được dư luận xã hội quan tâm và các hoạt động của ngành Tài chính bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả..., góp phần đưa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, chính sách, pháp luật về tài chính ngân sách vào thực tiễn cuộc sống, cùng với toàn ngành Tài chính tham gia giải quyết những vấn đề phát sinh trong điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Như Quỳnh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Ông Nguyễn Như Quỳnh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Tuy nhiên, trong bối cảnh báo chí Việt Nam đã có nhiều bước chuyển lớn trước sự thay đổi của khoa học công nghệ, thị hiếu dư luận, báo chí ngành Tài chính đang phải đứng trước nhiều áp lực lớn.

Phân tích cụ thể về vấn đề này, ông Đậu Huy Sáu - Phó Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho rằng, áp lực đầu tiên chính là sự cạnh tranh.

Thông tin trên báo chí ngành Tài chính luôn đầy đủ, chuẩn chỉnh, nghiêm túc và chính thống. Điều này được cơ quan chủ quản cũng như các cơ quan quản lý về báo chí, tuyên truyền đánh giá cao.

Song, theo ông Đậu Huy Sáu, để giữ được sự “tử tế” trong làm báo giữa bối cảnh hiện nay là rất khó khăn bởi báo chí thị trường, mạng xã hội đang trong giai đoạn bùng nổ với những thông tin giật gân, câu view luôn nhận được chú ý của người đọc nhiều hơn báo chí chính thống.

Vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền hiện nay là làm thế nào để vẫn giữ được “đạo nghề” mà vẫn có thể phổ rộng các thông tin chuẩn chỉ, chính thống đến được với nhiều bạn đọc hơn nữa.

Ở góc độ đơn vị làm nghiên cứu, bà Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, đơn vị có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của Bộ Tài chính; các cơ chế chính sách tài chính, chính sách pháp luật tài chính; kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Tài chính; xã hội hóa các kết quả nghiên cứu của Bộ, Viện từ các đề tài nghiên cứu.

Để làm tốt nhiệm vụ này, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đang phải thay đổi từng ngày song vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn tương tự như điều lãnh đạo Thời báo Tài chính Việt Nam đã nêu, đặc biệt là trong việc đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực để phục vụ cho đổi mới.

Nhận thức được điều đó, song theo bà Nga, đơn vị là đơn vị sự nghiệp không có thu, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc và ngân sách. Điều này đã hạn chế rất nhiều quá trình đổi mới của đơn vị.

Đề cập một khía cạnh khác, ông Đỗ Văn Hải - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính cho rằng, khó khăn không chỉ nằm ở khách quan, còn có yếu tố chủ quan.

Đó là một số đơn vị chuyên môn còn thiếu chủ động, có tâm lý e ngại hoặc do công việc nhiều chưa dành thời gian cho hoạt động thông tin tuyên truyền, phối hợp đưa thông tin cho báo chí.

Thiếu nguồn lực tài chính cũng là một điểm đáng quan tâm. Theo ông Hải, hàng năm, các cơ quan báo chí đều phải thực hiện tuyên truyền nhưng nguồn nhuận bút chưa đáp ứng yêu cầu thực tế dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng bài viết, ấn phẩm đôi lúc, đôi chỗ chưa đạt được kỳ vọng.

Các đơn vị báo chí ngành Tài chính đã có nhiều hình thức đa dạng để tuyên truyền, khẳng định vai trò trong ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh.

Các đơn vị báo chí ngành Tài chính đã có nhiều hình thức đa dạng để tuyên truyền, khẳng định vai trò trong ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh.

Đẩy mạnh truyền thông số

Trong bối cảnh công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, ông Hoàng Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho rằng, công tác tuyên truyền của ngành Tài chính cần phải đổi mới toàn diện, từ nhận thức, phương thức, nội dung đến hình thức thực hiện.

Từ phía cơ quan chuyên trách của bộ, Văn phòng Bộ Tài chính sẽ phát huy vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc hoàn thiện các văn bản liên quan đến thông tin tuyên truyền, làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện hiệu quả, thống nhất, chất lượng.

Còn theo ông Đậu Huy Sáu, báo chí ngành Tài chính viết hay, viết đúng thôi là chưa đủ, cần quan tâm hơn đến hiệu quả, triển khai các giải pháp để lan tỏa thông tin tốt, hay của ngành đến rộng rãi đối tượng hơn nữa. Cụ thể là bản thân các đơn vị cũng cần tiếp tục học hỏi, trau dồi, đổi mới, bắt kịp thời đại, đưa thông tin lên được các nền tảng mạng xã hội nhiều người theo dõi.

Để đưa các chủ trương, chính sách của ngành Tài chính đến với công chúng, tạo sự đồng thuận trong dư luận, không chỉ có vai trò của các cơ quan báo chí mà cần phải tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn trong và ngoài ngành.

Ngoài ra, cần tận dụng sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự ủng hộ của các đơn vị trong Bộ; cần phát huy tính đặc thù bằng cách xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên ngành để sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí khi cần…

Khuyến nghị thêm giải pháp, các đại biểu khác đến từ Viện Nghiên cứu Hải quan, Tạp chí Thuế,…đều cho rằng, trong giai đoạn tới, công tác thông tin tuyên truyền ngành Tài chính cần hướng tới các nội dung được dư luận quan tâm, các kiến thức chuyên sâu về kinh tế - tài chính.

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông số, ứng dụng các xu hướng truyền thông hiện đại hướng đến cung cấp thông tin chính sách kịp thời, đầy đủ đến cộng đồng.

Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết, hội thảo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra ban đầu, là một trong các hoạt động thi đua của Khối thi đua số 2 hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm xây dựng và phát triển của ngành Tài chính.

Đây cũng là sự kiện đặt nền móng cho các Hội thảo tiếp theo trong hoạt động thông tin tuyên truyền về lĩnh vực tài chính - ngân sách cũng như công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ nói chung và các đơn vị trong Khối thi đua số 2 nói riêng.

Viện Chiến lược và chính sách tài chính sẽ tổng hợp những kết quả đạt được, những hạn chế vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị tại hội thảo để báo cáo Bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền của Bộ Tài chính trong thời gian tới./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-quan-bao-chi-xuat-ban-nganh-tai-chinh-doi-moi-dap-ung-ngay-cang-cao-yeu-cau-trong-boi-canh-moi-136719.html