Cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm đến cùng với dự luật
Chiều ngày 13.9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong quá trình thi hành Luật năm 2015 vừa qua cho thấy còn một số khó khăn vướng mắc như việc lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với một số loại nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND); văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành thủ tục hành chính trong VBQPPL; áp dụng VBQPPL.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề khác cả ở trong giai đoạn lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… đang gặp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời tháo gỡ, khắc phục.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật năm 2015 quy định dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Trong quá trình thi hành Luật, một số bộ, ngành, địa phương cho rằng, quy định này mang tính hình thức, trên thực tế, việc thực hiện chỉ mang tính đối phó, chiếu lệ. Để khắc phục hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã bỏ quy định “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh” tại khoản 2 Điều 11 của Luật năm 2015.
Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm trong hồ sơ dự án mới chỉ thể hiện ý chí chủ quan của cơ quan chủ trì soạn thảo và nặng về hình thức, bởi vì khi luật, pháp lệnh chưa được thông qua thì về cơ bản chưa có căn cứ để tiến hành soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
Trong quá trình xem xét, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, các chính sách, nội dung cần quy định chi tiết có thể bị chỉnh sửa, thay đổi. Việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết cũng phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật năm 2015, làm tăng đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan soạn thảo, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị dự án. Đối với những trường hợp việc chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau hoặc có nhiều văn bản quy định chi tiết thực tế là không khả thi.
Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành việc không nên tiếp tục quy định trong hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết nhưng cần đổi mới về cách làm để cơ quan soạn thảo tập trung thời gian cho việc soạn thảo luật, pháp lệnh bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị giữ quy định phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh như hiện nay và cho rằng, việc phải trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết có tác dụng giúp cho cơ quan soạn thảo, cơ quan trình cũng như các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu quốc hội có sự đánh giá, định hướng trước một cách tổng thể về những vấn đề dự kiến điều chỉnh và áp dụng khi luật, pháp lệnh được ban hành.
Ông Hiển cũng chỉ ra một tồn tại thời gian qua, đó là có tình trạng Luật “chờ” nghị định, nghị định “chờ” thông tư, điều này làm cho luật không đi vào cuộc sống. Vậy, tại sao dự thảo Luật lại bỏ đi quy định dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật? Nếu bỏ đi quy định này không biết Luật phải “chờ” nghị định đến mức độ nào nữa?
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo độ “chín”. Theo ông Hiển, Chính phủ đề nghị sửa Luật theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra thực hiện như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án thực hiện, gọi là “đổi vai” so với hiện hành. Vậy tại sao lại cần có sự “đổi vai” này? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một dự án Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Do đó chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Những vướng mắc, tồn tại do việc tổ chức thực hiện thì điều chỉnh việc thực hiện, không sửa đổi trong Dự án Luật này.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm đến cùng với Dự án Luật mà đơn vị mình trình, vì sau khi vòng thảo luận lần 2, rất nhiều nội dung được các đại biểu quốc hội bổ sung, sửa đổi. Do đó, cơ quan soạn thảo cần phải theo đến cùng để nắm rõ được mọi vấn đề.