Cơ quan thẩm tra cho ý kiến về việc phân bổ vốn cho ba dự án cao tốc phía Nam
Ủy ban Tài chính, ngân sách cho biết việc phân bổ vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cho ba dự án đường bộ cao tốc phía Nam (Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) là phù hợp.0
Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, cơ quan thẩm tra cho rằng nội dung Chính phủ trình chỉ là báo cáo cung cấp thông tin về tình hình, tiến độ triển khai công việc của Chính phủ, không phải là tờ trình danh mục các dự án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Vì vậy báo cáo này chưa đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Cạnh đó, đầu năm 2022, Quốc hội thông qua nguồn vốn nhằm kịp thời phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng Quốc hội thông qua, đến nay Chính phủ mới chỉ thực hiện ở khâu Thủ tướng thông báo số vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án là rất chậm.
Về nguồn vốn, Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng Quốc hội đồng ý nguồn vốn tối đa cho chương trình này là 176 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, Chính phủ thông báo vốn cho chương trình hơn 149 nghìn tỉ đồng. Số còn lại chưa thông báo khoảng 26,8 nghìn tỉ đồng, trong đó có 14 nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực y tế và 11,8 nghìn tỉ đồng cho bốn dự án đường cao tốc.
Theo đó, cơ quan thẩm tra nhận thấy Thủ tướng cần khẩn trương thông báo hết số vốn còn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thông báo vốn, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, giải pháp để thực hiện.
Đối với ba dự án đường bộ cao tốc phía Nam gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng việc xác định nguồn vốn (khoảng 9.620 tỉ đồng), khả năng cân đối vốn cho các dự án cao tốc từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là phù hợp với nguyên tắc tập trung vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo quy định.
Theo đó, Ủy ban Tài chính, ngân sách kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư ba dự án cao tốc quan trọng quốc gia trên theo quy định của Luật Đầu tư công…
“Chính phủ cũng cần chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn”- Ủy ban Tài chính, ngân sách nêu ý kiến.
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Chính Phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ đề xuất của các bộ, ngành và địa phương, Chính phủ dự kiến chi cho gói phục hồi kinh tế hơn 149 nghìn tỉ đồng. Trong đó, ngành giao thông được phân bổ số tiền 87.500 tỉ đồng.
Số tiền ngành giao thông đảm nhận để làm sáu dự án gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Số tiền còn lại Chính phủ dự kiến phân bổ cho các dự án an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Chính phủ khẳng định những dự án được đề xuất đều bảo đảm phải giải ngân vốn trong 2 năm (2022 và 2023) và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí mà nghị quyết 43/2022 của Quốc hội đưa ra.