Cơ quan thuế sẽ công khai doanh nghiệp 'ma', hộ kinh doanh trốn thuế
Cơ quan thuế cảnh báo tình trạng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục thuế hoặc bỏ trốn địa chỉ đăng ký. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành thuế đã xác định rõ đối tượng vi phạm, sẵn sàng xử lý nghiêm theo pháp luật gồm khởi tố hình sự nếu cần thiết.

Hồ sơ doanh nghiệp trốn thuế có thể bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa: VGP
Cục Thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không thực hiện khai báo, không hoàn tất thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, baochinhphu.vn đưa tin.
Đặc biệt, có trường hợp vẫn phát sinh hoạt động kinh doanh nhưng không xuất hóa đơn, hoặc xuất hóa đơn nhưng không kê khai, nộp thuế. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật quản lý thuế và Luật doanh nghiệp.
Theo Cục Thuế, hiện hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc, giúp ngành thuế thiết lập một "cơ sở dữ liệu lớn" (big data) từ các giao dịch mua bán, kê khai thuế, nghĩa vụ nộp thuế, kết quả sản xuất kinh doanh… Nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), việc nhận diện chính xác các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm thuế, hóa đơn đã trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Những vi phạm phổ biến gồm không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, không khai báo khi tạm nghỉ hoặc chấm dứt hoạt động, không quyết toán thuế hoặc cố tình né tránh nghĩa vụ kiểm tra thuế.
Một điều đáng lo ngại là không ít doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đã có hành vi vi phạm mang tính tổ chức. Sau khi phát sinh doanh thu, các chủ thể này không xuất hóa đơn hoặc xuất nhưng không kê khai. Thậm chí, có trường hợp khai báo thuế nhưng không nộp, hoặc đang nợ thuế thì bất ngờ "biến mất", không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và cũng không thông báo với cơ quan thuế.
Đáng nói hơn, khi cơ quan thuế chủ động liên hệ, nhiều trường hợp không phản hồi hoặc không thể liên hệ. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn rất hạn chế, gây hậu quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách nhà nước, phá vỡ nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng và khiến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính bị liên đới khi có giao dịch mua bán với đối tượng vi phạm.
Với quyết tâm xử lý tận gốc các hành vi vi phạm này, ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như công an, Cục quản lý xuất nhập cảnh… để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết.
Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ được đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp vi phạm. Cơ quan xuất nhập cảnh có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật hoặc cá nhân kinh doanh đang nợ thuế. Đặc biệt, ngành thuế đã chuyển nhiều hồ sơ vi phạm nghiêm trọng sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố các vụ án liên quan đến hành vi trốn thuế, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp.
Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi từ hóa đơn, qua đó chiếm đoạt tiền của ngân sách Nhà nước. Các vụ án này đã được xét xử, tuyên án nghiêm minh, thể hiện quyết tâm của ngành chức năng trong việc làm trong sạch môi trường kinh doanh.
Vì vậy, cơ quan thuế kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên quan chủ động khắc phục sai phạm. Theo đó, các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế cần khẩn trương liên hệ với cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ kê khai, nộp thuế. Đây không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là nền tảng giúp phòng tránh rủi ro pháp lý, đồng thời đảm bảo quyền lợi trong tương lai.
Nếu không nhận được sự hợp tác chủ động, cơ quan thuế sẽ công khai thông tin vi phạm lên hệ thống theo quy định. Cùng với đó, các hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan công an để xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.