Có quyết sách thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ

Mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 là thách thức rất lớn khi tăng trưởng năm nay dự kiến đạt trên 5%. Do vậy, chuyên gia kỳ vọng, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội sẽ thảo luận và có những quyết sách lớn, mang tính chiến lược để tạo đà cho tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

TS. PHÙNG ĐỨC TÙNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong:
Khắc phục triệt để tình trạng e ngại, sợ trách nhiệm

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, nhất là 9 tháng năm nay, mặc dù nền kinh tế phải chống chọi với rất nhiều khó khăn, thách thức cả từ tình hình thế giới và trong nước song vẫn có những điểm sáng tích cực. Bên cạnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…, điểm sáng nền tảng nhất là về đầu tư công. Chúng ta đã triển khai, hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng điểm quan trọng, như các cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái…, qua đó giúp năng lực vận chuyển được cải thiện, giảm chi phí logistics vốn là trở ngại lớn đã tồn tại trong nhiều năm.

Một điểm sáng quan trọng nữa là về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). 9 tháng qua, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án đầu tư mới tăng mạnh, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây là động lực rất lớn đóng góp cho tăng trưởng không chỉ năm nay mà cả những năm tiếp theo.

Dù vậy, đúng như báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đối với tăng trưởng, cả từ yếu tố khách quan quốc tế lẫn nội tại trong nước. Nếu như không có giải pháp quyết liệt mang tính chiến lược, mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,5 - 7% như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là khó thành hiện thực.

Trong bối cảnh đó, tôi rất tán thành chỉ đạo định hướng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Sáu. Đó là, các đại biểu Quốc hội cần “nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để phân tích, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc bất cập, nguyên nhân khách quan và chủ quan; đồng thời đề xuất, hiến kế các giải pháp nhằm đạt được kết quả cao nhất của năm 2023…”.

Trở lực lớn nhất hiện nay đối với tăng trưởng là thiếu động lực cho đội ngũ thực thi chính sách hành chính, dẫn đến tình trạng e ngại, sợ trách nhiệm vẫn còn. Do đó, mong Quốc hội sẽ có được lời giải hữu hiệu, khắc phục triệt để vấn đề này, tạo động lực cho cán bộ thực thi - vấn đề mấu chốt cho phát triển.

Việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng sẽ khó khăn, vì sau đại dịch cùng những bất lợi từ tình hình thế giới khiến việc làm, thu nhập của người dân giảm. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI là rất quan trọng. Vì thế, Quốc hội cần có được những quyết sách lớn, mang tính chiến lược, dài hạn để định hướng cho nền kinh tế phát triển, đặc biệt là những ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có thế mạnh như năng lượng tái tạo, hydrogen, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn… Cùng với đó, cần có quyết sách mang tính dài hạn cho phát triển nông nghiệp xanh.

Ông TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Tìm giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Có thể khẳng định, càng ngày cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa càng tin tưởng và trông đợi vào quyết sách của Quốc hội. Bởi vì, các quyết sách mà Quốc hội đưa ra đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, bám sát hơi thở cuộc sống, minh chứng rõ nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hay Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% tháo gỡ khó khăn rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp…

Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Chúng tôi mong Quốc hội sẽ có Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. Trong đó, doanh nghiệp mong muốn Quốc hội sẽ ban hành cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được mạnh dạn đổi mới sáng tạo; làm rõ nội hàm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” là gì; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp; rõ các định hướng, giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân…

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng mong muốn Quốc hội sẽ thảo luận, rõ giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn. Đó không chỉ là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, mà có thể từ các quỹ tư nhân và phải có cơ chế rõ ràng cho các quỹ này.

Ông NGUYỄN ĐỨC LẬP, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản:
Tạo dựng hệ thống pháp luật đất đai, bất động sản thống nhất, khả thi

Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự thảo luật, đồng thời xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác. Có thể thấy, khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải tập trung cao độ, bằng tất cả năng lực, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đáng chú ý, ngay trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ định hướng lớn để các đại biểu tập trung thảo luận với 4 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cho thấy tầm quan trọng rất lớn của các luật này.

Cụ thể, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn có ý kiến khác nhau được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đề nghị tập trung bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của các chính sách về huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhà ở; tháo gỡ vướng mắc, xử lý bất cập trong thực tiễn về quản lý nhà ở cao tầng, nhiều hộ; cải tạo, xây dựng nhà chung cư; xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; khắc phục tình trạng đầu cơ; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản... ; đặc biệt, cần bảo đảm tính thống nhất giữa các luật.

Những định hướng đó có thể coi là “kim chỉ nam” để các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, qua đó tạo dựng “hệ thống pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản thực sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu lực, khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn” như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội. Đó cũng là yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới!

Minh Châu thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/co-quyet-sach-thuc-day-tang-truong-manh-me-i347476/