Có sàn giao dịch nợ xấu, ngân hàng không còn lo ế hàng?
Nợ xấu là nỗi ám ảnh của cả hệ thống tín dụng. Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đưa Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức. Đây là thông tin tích cực cho các ngân hàng thương mại, trong bối cảnh thời gian qua nhiều ngân hàng liên tục rao bán những khoản nợ nghìn tỷ đồng để thu hồi, xử lý nợ nhưng không hề dễ dàng.
Dịch Covid-19 đẩy nợ xấu tăng
Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với 2 mảng hoạt động. Một là môi giới, kết nối cung - cầu thị trường. Hai là tư vấn, dàn xếp việc mua bán giữa các bên. Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường, và nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt.
VACM cho biết, tính đến tháng 9/2021, đơn vị đã thực hiện mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt 392.327 tỷ đồng; Mua nợ theo giá trị thị trường 11.541 tỷ đồng; Tổng dư nợ gốc đã xử lý 315.721 tỷ đồng; Tổng thu hồi nợ 179.347 tỷ đồng.
"Nguồn hàng cung cấp cho sàn giao dịch nợ gồm 2 nguồn chính. Đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường, khoảng 2.000 tỷ đồng. Thứ hai là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt khoảng 100 nghìn tỷ. Khi sàn đi vào hoạt động, mọi dữ liệu sẽ được xác thực đầy đủ, củng cố hồ sơ để đảm bảo giao dịch minh bạch"- Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông chia sẻ, đồng thời khẳng định các giao dịch của Sàn giao dịch nợ phải luôn đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Điều đó là vô cùng quan trọng trong bối cảnh nợ xấu đang chịu áp lực vì dịch bệnh. Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng, nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này là 7,21%. Nhưng nếu cộng cả số nợ xấu trong 3 tháng liền kề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch thì con số còn lớn hơn...
Thực tế, bức tranh nợ xấu ngân hàng cũng được hé lộ trong mùa báo cáo tài chính quý III/2021. Ngân hàng TMCP Quốc dân Việt Nam (NCB) là đơn vị đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý, cho thấy số dư nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2021 hơn 800 tỷ đồng, tăng 23% so với 6 tháng đầu năm. Trong cơ cấu, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tới 61% nợ xấu của ngân hàng này.
Tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang thể hiện rõ qua toàn cảnh bức tranh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên rõ rệt. Mức độ chuyển biến xấu đến rất nhanh chỉ qua vài tháng cập nhật. Số liệu cập nhật mới nhất từ cuộc họp báo thông tin về điều hành Chính sách tiền tệ (ngày 12/10) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy: Tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện nay chiếm khoảng 8% dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2%. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ.
Trong khi nợ xấu có nguy cơ tăng cao vì dịch Covid-19 thì Nghị quyết 42 lại sắp hết hiệu lực (tháng 8/2022). Theo đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD.
Cầu nối mua bán nợ
''Ngay ngày đầu hoạt động (15/10), chúng tôi đã ký được hợp đồng giá trị tài sản nợ 5.000 tỷ đồng với TCTD” - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông chia sẻ.
Thông qua việc sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hỗ trợ, kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Sàn này cũng có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.
Hiện có khoảng 30 thành viên đã đăng ký tham gia sàn giao dịch nợ, chủ yếu là các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy sàn giao dịch vẫn chỉ là một chi nhánh của VAMC, hoạt động trong thẩm quyền hạn chế, nhưng sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy một "chợ" mua bán nợ thực sự với quy mô rộng.
TS Lê Xuân Nghĩa cho hay, hiện tại có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các món nợ xấu tại ngân hàng, nhất là liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý và những rào cản về quy trình khiến bên mua tỏ ra thận trọng. Khi có sàn giao dịch, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin một cách chính thức, đáng tin cậy về khoản nợ; từ đó sẽ kích thích thị trường mua bán nợ xấu nói riêng, thị trường mua bán nợ nói chung phát triển. Quan trọng là giúp ngân hàng giải quyết nhanh nợ tồn đọng từ những năm trước.
''Việc sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động sẽ giúp nhiều thành phần cùng tham gia, giúp hoạt động mua bán nợ theo đúng cơ chế kinh tế thị trường – thuận mua vừa bán” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. Dù vậy, để có thể thu hút thêm nhà đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đất đai, cho phép cá nhân, hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Theo đánh giá của Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) Nguyễn Trọng Du, khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ VAMC được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của các TCTD và nhiều nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký thành viên, sử dụng dịch vụ và giao dịch trên sàn. Sàn giao dịch hoạt động hứa hẹn sẽ tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả tại Việt Nam.
Hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các món nợ xấu là bất động sản tại ngân hàng. Nhưng do thiếu hành lang pháp lý và những rào cản về quy trình khiến bên mua và bên bán chưa “gặp" được nhau. Tuy nhiên, nếu nay thông qua sàn, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/co-san-giao-dich-no-xau-ngan-hang-khong-con-lo-e-hang-438332.html