Cơ sở bảo dưỡng được kiểm định ô tô: Cần thiết lập cơ chế kiểm tra, hậu kiểm thế nào?
Việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải tham gia kiểm định xe cơ giới được cho là sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe.
Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và hậu kiểm như thế nào để đảm bảo chất lượng công tác kiểm định phương tiện? PV VOV Giao thông đối thoại với TS Chu Mạnh Hùng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) xung quanh nội dung này:
PV: Thưa ông, với việc cho phép các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tham gia công tác kiểm định, theo ông sẽ có tác động như thế nào?
TS Chu Mạnh Hùng: Nó có những mặt tác động tích cực là góp phần giảm tải ngay cho các trạm đăng kiểm hiện nay; bảo đảm được tần suất kiểm định phương tiện gắn liền với các chu kỳ bảo dưỡng. Vấn đề là chúng ta quản lý tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện.
Có nghĩa là các cơ sở bảo dưỡng này phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình khi đưa ra tham gia giao thông; phải gắn trách nhiệm của họ lại. Việc các cơ sở bảo dưỡng tham gia công tác kiểm định đã có một số nước làm rất hiệu quả.
Ở Đức, lâu nay người ta vẫn cho các cơ sở bảo dưỡng thực hiện kiểm định. Có nghĩa là các cơ sở bảo dưỡng này phải có thiết bị tương đương các trạm kiểm định và những nhân viên bảo dưỡng cũng phải được cấp chứng chỉ tương đương với cấp chứng chỉ đăng kiểm viên do cơ quan quản lý nhà nước xác định.
Một điểm nữa đó là phải nghiên cứu chu kỳ kiểm định gắn sát với chu kỳ bảo dưỡng kỹ thuật của phương tiện. Dù rằng mỗi hãng có thời gian kiểm định khác nhau, nhưng gần như các hãng sản xuất ô tô đều có những khoảng thời gian về bảo trì, bảo hành, bảo dưỡng kỹ thuật là tương đương nhau.
Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu, để vận dụng, để quy định để bảo đảm phù hợp với điều kiện quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện, nhưng cũng phù hợp với điều kiện khai thác phương tiện.
PV: Theo ông, để quản lý chất lượng kiểm định của các đơn vị này, cần đặt ra những yêu cầu về kiểm tra, hậu kiểm như thế nào?
TS Chu Mạnh Hùng: Đôi khi cũng có những cơ sở làm việc tùy tiện, có nghĩa là có sự cạnh tranh không lành mạnh, cơ sở bảo dưỡng này muốn hút khách hàng thì làm dễ dãi, bỏ qua những công đoạn trong quá trình kiểm định, không nghiêm khắc với những tiêu chí về mặt an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ví dụ như lốp chưa đủ điều kiền cũng chứng nhận, hoặc là khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn cũng bỏ qua… thì chúng ta phải thiết lập cơ chế giám sát, hậu kiểm, và đưa ra chế tài, nếu mà cho phép anh tham gia, nhưng nếu anh làm ẩu, anh bỏ qua công đoạn thì phải chịu phạt.
Ở các nước, ngoài chuyện “treo giò” không được kiểm định thì người ta phạt về kinh tế rất nặng. Cho nên các cơ sỏ bảo dưỡng đủ tiêu chuẩn, hoặc những cơ quan kiểm định họ không dám làm lỏng lẻo theo quy định kỹ thuật.
Đấy là vai trò của các cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm là rất quan trọng để họ không dám thực hiện những hành vi hạ thấp tiêu chuẩn kỹ thuật. Đấy là những cái mà chúng ta có thể vận dụng được, để áp dụng cho trường hợp này.
PV: Xin cảm ơn ông!./.