Cơ sở gây ô nhiễm: Chưa dời hết đã mọc thêm
Dù các cơ quan chức năng TP HCM đã dùng đến rất nhiều biện pháp mạnh tay nhưng việc di dời các nguồn ô nhiễm nằm xen cài trong khu dân cư còn không ít vướng mắc
Nhiều năm qua, TP HCM có chủ trương xử lý nghiêm cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường - về khói, bụi, mùi hôi, tiếng ồn, nước thải... Thế nhưng thống kê mới đây lại cho thấy trên toàn địa bàn TP HCM, chỉ có 188/504 cơ sở hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm nhưng trong năm 2018, lại có đến 294 cơ sở sản xuất phát sinh mới trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Người chấp hành, kẻ chây ì
Trở lại các khu dân cư thuộc khu phố 4, 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 , TP HCM - nơi được đánh dấu là "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường, những ngày giữa tháng 6, chúng tôi vẫn không khỏi thở dốc vì mùi hôi phát ra từ ít nhất 4 cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư. Vậy mà, người dân ở 2 khu phố trên vẫn cho rằng bây giờ là đỡ hơn trước rất nhiều.
Ông Văn Phú Quan, một hộ dân ở khu vực trên, cho hay sở dĩ ông nói ô nhiễm đỡ nhiều là vì khu vực trên trước đây có 42 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khiến người dân vô cùng bức xúc và kêu cứu. Trước thực trạng trên, năm 2016, cả khu vực (gồm khu phố 4 và 5) được chọn làm thí điểm các biện pháp xử lý kiên quyết của TP đối với các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư. Đến nay, 16 cơ sở đã di dời vào Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh), các cơ sở khác thực hiện các biện pháp khắc phục.
"Hiện chỉ còn 4 cơ sở gồm: cơ sở Phạm Văn Dương, cơ sở Phạm Văn Long, cơ sở Việt Phát và Công ty TNHH Thiên Phú Thịnh, vẫn bám trụ ở khu dân cư, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường" - ông Văn Phú Quan nói và mong muốn chính quyền sớm xử lý dứt điểm các cơ sở ô nhiễm trên để người dân không phải nơm nớp lo sợ bệnh tật kéo đến vì ô nhiễm gây ra.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Ở 3 huyện này, rất nhiều cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư, từng ngày từng giờ đầu độc không khí và kênh rạch. Hiện hầu hết các tuyến kênh ở các xã Vĩnh Lộc A, B và Phạm Văn Hai gia tăng ô nhiễm từng ngày. "Ở khu vực này giờ đi ra đường, ngang kênh rạch là phải bịt kín chứ không lại… khổ. Cơ sở sản xuất còn dày lắm trong khu dân cư !" - chị Sung, ngụ xã Vĩnh Lộc A, ngao ngán. Đặc biệt nhiều người ở Hóc Môn và Củ Chi thì hồ nghi: Hình như số lượng di dời nguồn ô nhiễm thấp hơn so với số hình thành mới?
Đã kiên quyết xử lý nhưng vẫn hoạt động ?!
Theo UBND huyện Bình Chánh để xử lý các cơ sở ô nhiễm xen cài trong khu dân cư, trong năm 2018, huyện đã phối hợp với TP kiểm tra, xử phạt 160 cơ sở với số tiền 14 tỉ đồng, qua đó đình chỉ hoạt động 27 cơ sở, di dời 118 cơ sở vào các khu công nghiệp. Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện Bình Chánh cũng đã xử phạt 49 cơ sở gây ô nhiễm với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Đình chỉ hoạt động 9 tháng (với hình thức niêm phong các máy móc thiết bị hoạt động gây ô nhiễm môi trường) đối với 2 trường hợp. Huyện đang thống kê 164 cơ sở và tiếp tục di dời trong năm 2019.
UBND huyện Bình Chánh cho hay đang tiếp tục rà soát, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không phù hợp quy hoạch xây dựng, đô thị để có kế hoạch di dời cụ thể. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, buộc các chủ thể gây ô nhiễm môi trường phải khắc phục ngay các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường tại nguồn như lắp đặt hệ thống xử lý chất thải (nước thải, khí thải, tiếng ồn, chất thải rắn). Đồng thời lập danh sách, hồ sơ theo dõi với các cơ sở ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, UBND huyện Bình Chánh cũng kiến nghị bổ sung các quy định về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường với khu dân cư; không thực hiện cấp mới hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao (như xi mạ, giặt tẩy, nhuộm, mua bán kinh doanh và tái chế phế liệu…) nằm trong khu dân cư.
Tại huyện Củ Chi, 5 tháng đầu năm 2019, UBND huyện đã kiểm tra 132 cơ sở. Qua đó đã xử phạt 23 cơ sở, với số tiền phạt hơn 1,3 tỉ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng huyện, TP đã kiểm tra môi trường đối với 36 cơ sở. Theo ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, thời gian tới UBND huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư.
Về vi phạm của 4 cơ sở gây ô nhiễm ở khu phố 4, 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết 4 cơ sở nêu trên đã bị UBND TP xử phạt và buộc đình chỉ hoạt động nhưng các cơ sở trên vẫn cứ tiếp tục hoạt động. (?!)
Biện pháp cưỡng chế chưa phù hợp!
Từ thực tế trên, lãnh đạo các địa phương có cơ sở gây ô nhiễm nằm xen cài trong khu dân cư nhưng vẫn chây ì trong di dời, kiến nghị trung ương bổ sung biện pháp cưỡng chế phù hợp trong Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Do TP HCM đang thí điểm thực hiện Nghị quyết 54 nên các địa phương kiến nghị có cơ chế đặc thù cho TP trong việc xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, cần có các giải pháp cụ thể để tổ chức cưỡng chế, thực hiện triệt để việc xử lý các cơ sở này. Kế đến, cần có hướng dẫn cụ thể về khoảng cách an toàn giữa các cơ sở sản xuất với khu dân cư, với trường học là bao xa, để địa phương vận dụng, quản lý và xử lý hiệu quả hơn.
UBND TP nhìn nhận công tác xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực tế đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, các cơ sở vi phạm chỉ chấp hành nộp phạt nhưng không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả hay đình chỉ hoạt động. Bởi chưa có quy định về cưỡng chế thi hành biện pháp đình chỉ hoạt động, chưa có biện pháp cắt điện nước đối với các cơ sở vi phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Để giải quyết các khó khăn đã nêu, UBND TP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình các cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện, nước để cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt; phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khi các đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị đình chỉ hoạt động.
Chung tay kiểm soát!
Mới đây, tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi, chủ đề "Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư - thực trạng và giải pháp", bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đánh giá việc đơn giản hóa trong đăng ký và cấp phép kinh doanh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đưa đến phát sinh là dễ hình thành mới cơ sở ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
"Khi có vi phạm, cơ sở liền thay đổi pháp nhân. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giờ đây cũng không cần ý kiến của địa phương về sự phù hợp ngành nghề, địa điểm xây dựng hay khoảng cách an toàn cho môi trường. Các cơ sở tiếp tục hình thành trong khu dân cư, gây ô nhiễm, và các cơ quan, sở ngành, địa phương lại phải tiếp tục xử lý, di dời" - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ chỉ ra bất cập trong việc kiểm soát các cơ sở mới phát sinh. Lãnh đạo Sở Công Thương TP thì đề nghị khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm, cần tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng liên quan.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, tán đồng đề nghị này và cho biết sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, quận huyện để nhận diện sớm, giám sát chặt các cơ sở đăng ký kinh doanh trong 152 ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.