Cơ sở giáo dục cùng doanh nghiệp 'bắt tay' đào tạo nhân lực
Những năm qua, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có sự hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Năm 2024, Trường Cao đẳng Gia Lai đã ký kết hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp về đào tạo nghề, tổ chức thực tập, tuyển dụng sau tốt nghiệp. Sau khi ký kết chương trình hợp tác, một số ngành học đã được doanh nghiệp hỗ trợ trang-thiết bị, cử chuyên gia đến giảng dạy thêm về các kỹ năng chuyên sâu.

Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI) đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Đinh Yến
Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Trước đây, các chương trình đào tạo của trường thường theo kiểu “đóng khung”, nặng về lý thuyết nên sinh viên sau tốt nghiệp vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khi đi vào thực tế công việc. Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã hợp tác và tham khảo ý kiến từ các doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp theo hình thức “học đi đôi với làm” ngay từ học kỳ đầu tiên. Nhờ vậy, những năm gần đây, sinh viên các ngành như: kỹ thuật điện, cơ khí, công nghệ ô tô, du lịch… hầu hết đều tìm được việc làm ngay sau khi ra trường”.
Là 1 trong gần 150 sinh viên của Trường Cao đẳng Gia Lai đang được đào tạo theo hướng “học đi đôi với làm”, em Ngân Duy Chiến-Sinh viên ngành Điện công nghiệp-chia sẻ: “Trong quá trình học, chúng em được các thầy truyền đạt kiến thức trên bảng điện mô phỏng nên rất dễ học, dễ nhớ. Ngoài học ở trường, chúng em còn được thực hành theo quy trình điện công nghiệp tại các nhà máy điện trên địa bàn, nhờ thế nâng cao được kỹ năng thực tế”.
Tương tự, những năm qua, Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp. Trong quá trình học, sinh viên thường xuyên được đi thực tế tại các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến của doanh nghiệp cũng như thăm quan các mô hình khuyến nông hiệu quả… để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Em Lê Thị Mai-Sinh viên Khoa Nông lâm-cho hay: “Với việc đào tạo theo hình thức “học đi đôi với hành”, chúng em thường xuyên được thực tập tại các trang trại, doanh nghiệp; được trực tiếp phân tích dữ liệu sản xuất, lập kế hoạch kinh doanh. Điều này rất bổ ích, giúp sinh viên tích lũy được kinh nghiệm thực tế để tự tin hơn khi tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp”.
Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-thông tin: Từ năm 2020 đến nay, nhà trường đã chủ động ký kết hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh để tổ chức thực tập, thực tế và nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Bên cạnh đó, Phân hiệu cũng mời chuyên gia, nhà quản lý tại các doanh nghiệp tham gia giảng dạy chuyên đề; tổ chức các buổi tọa đàm, định hướng nghề nghiệp, giúp sinh viên hiểu rõ hơn nhu cầu việc làm thực tế của xã hội để có định hướng cho tương lai.

Sinh viên ngành Điện công nghiệp Trường Cao đẳng Gia Lai trong giờ thực hành. Ảnh: Đ.Y
“Để kết nối trong công tác đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên khi ra trường, Phân hiệu cũng đã chủ động kết nối với nhiều doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị. Điển hình như việc hợp tác với Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi”-Tiến sĩ Trần Cao Bảo cho hay.
Là đơn vị hợp tác chặt chẽ với Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tay nghề, ông Đoàn Trung Kiên-Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên (xã Đăk Yă, huyện Mang Yang) cho rằng: Chính việc hợp tác chặt chẽ với Phân hiệu trong đào tạo nhân lực đã giúp doanh nghiệp tiếp cận được lực lượng nhân lực trẻ, có ý thức, thái độ cao và có kiến thức chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu ngày một cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 8.000-10.000 người bước vào độ tuổi lao động, trong đó phần lớn là lao động trẻ ở nông thôn. Hiện nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng ngày một tăng, nhất là các ngành nghề kỹ thuật, cơ khí, nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho biết: Chúng tôi xác định gắn kết giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp không chỉ là nhiệm vụ mà còn là giải pháp chiến lược để xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sở đang tham mưu tỉnh triển khai mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng, khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu cụ thể.
“Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp. Bởi khi nhà trường và doanh nghiệp đồng hành thực chất thì cánh cửa việc làm của người học sẽ được mở rộng”-ông Hải nhấn mạnh.
Clip: Đức Thụy