Cơ sở giáo dục đại học gặp khó nếu không phụ thuộc vào học phí
Việc đa dạng các nguồn thu hiện nay vẫn gặp nhiều cản trở khi các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, nếu không có quy định mức học phí sẽ áp dụng theo mức trần học phí quy định tại Nghị định 81, mức thu học phí sẽ tăng khá cao so với học phí năm học 2022 - 2023. Mức thu học phí hiện nay cần phải điều chỉnh phù hợp giữa người học và các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở bậc đại học.
Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí
Theo đó, nguồn thu của các trường đại học hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào học phí với tỉ lệ ở nhiều cơ sở lên tới 70-80%, trong khi đó nguồn thu từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân… vẫn còn thấp.
Thông tin về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, các nguồn thu của nhà trường đến từ ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp; nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; nguồn vốn vay; vốn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật; nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
"Đặc biệt các trường gặp khó khăn trong việc cân đối thu - chi khi phải cân đối giữa chi cho con người (để tránh tình trạng chảy máu chất xám) và chi đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy để đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài là những nội dung cần phải lưu ý”, bà Cúc Phương bày tỏ.
Đa dạng nguồn thu không thể một sáng một chiều
Phân tích về các nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học, trao đổi với
Người Đưa Tin
, PGS. Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh đánh giá, nguồn thu của các đại học bao gồm học phí, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ hiến tặng của các cá nhân và tổ chức và các nguồn thu khác.
“Thời kì bao cấp, các đại học công nguồn thu chính là ngân sách Nhà nước. Các trường đại học từ sau khi có chính sách tự chủ đại học, các trường được tự chủ toàn diện đã không còn nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp vẫn đảm bảo được chi thường xuyên, chi cho nghiên cứu khoa học và nhiều khoản chi khác.
Điều đáng nói là hầu hết, thu nhập của giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học tự chủ ngày càng tăng. Nguồn chi ở các cơ sở giáo dục đại học tự chủ này về cơ bản là từ học phí, các nguồn thu khác như nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ hiến tặng chiếm tỉ trọng nhỏ (phần nhiều chưa tới 10% tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học”, PGS. Nguyễn Kim Hồng phân tích.
Theo chuyên gia, các nhà quản trị đại học đều mong muốn đa dạng hóa nguồn thu, giảm tỉ lệ thu học phí trong tổng thu của họ nhưng có thể nói là chưa hiệu quả. Lý do thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn bắt nguồn từ sự yếu kém trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ông Hồng đánh giá: “Cũng không hẳn là tiềm năng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học thấp kém mà còn ở góc độ liên kết đặt hàng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từ Nhà nước đến các doanh nghiệp tới các trường đại học thực sự chưa tạo điều kiện, chứ chưa nói tới khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nghiên cứu khoa học”.
Cùng với đó, ngân sách Nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa tin tưởng vào các cơ sở giáo dục đại học nên cũng không sẵn sàng đặt hàng cho các cơ sở giáo dục đại học.
Ngược lại, năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học cũng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Nếu giải quyết được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học thì có thể tăng được tỉ lệ nguồn thu ngoài học phí của các cơ sở giáo dục đại học.
“Theo tôi, việc này không phải một sáng một chiều có thể giải quyết, nó cần có thời gian, cần sự thay đổi của các chính sách của Nhà nước về tài chính. Tôi nghĩ, chắc cũng phải vài chục năm tới chúng ta mới có thể có những cơ sở giáo dục đại học có nguồn thu ngoài học phí chiếm khoảng 30-40%”, PGS. Nguyễn Kim Hồng nhận định.
Đưa ra giải pháp, chuyên gia cho rằng mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp quyết định mức tăng nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học ngoài nguồn thu học phí.
“Việc này phải đến từ Nhà nước, cần có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bằng cơ chế đặt hàng/đấu thầu và dành khoản kinh phí ngày một nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các đại học, bằng việc miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong nước đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học để giải quyết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ và quản lý của doanh nghiệp nói riêng và sản xuất, tiêu dùng của nhân dân nói chung”, ông Hồng bày tỏ.
Về phía doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục đại học và ngược lại các cơ sở giáo dục đại học cũng cần phải chú trọng liên kết với các doanh nghiệp không chỉ hướng tới giải quyết các bài toán của các doanh nghiệp mà còn phải tính đến dẫn đường cho các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ và quản lý.
“Tất cả những nhà quản trị đại học không ai không biết điều trên nhưng không phải họ biết và muốn là làm được. Nhưng điều họ có thể làm được là nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho giảng viên, “nhúng” giảng viên vào môi trường doanh nghiệp, hướng họ tới gắn nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nhu cầu của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Hãy hình thành văn hóa hiến tặng: doanh nhân, cựu người học sẵn sàng hiến tặng tài chính, vật chất cho các trường đại học”, vị chuyên gia nhận định
.