An toàn trong thực hành cho SV: Ý thức chấp hành quy trình là quan trọng nhất

Thiết bị, máy móc, công nghệ thay đổi đi kèm những yêu cầu ngày càng cao, cần thường xuyên cập nhật, tạo môi trường làm việc an toàn, nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong một tiết thực hành đấu nối thiết bị điện vào ngày 27/11, một sinh viên của Trường Cao đẳng Đắk Lắk đã bị điện giật và tử vong ngay sau khi được đưa tới bệnh viện. Điều này đã khiến không ít người lo ngại về mức độ an toàn trong thực hành đối với các ngành thuộc khối kỹ thuật, các ngành nghề nặng nhọc.

Theo lãnh đạo tại một số trường đại học, cao đẳng, ngoài việc thực hiện theo quy trình, việc đảm bảo an toàn trong giờ thực hành còn phụ thuộc nhiều yếu tố, cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, nhà trường và người học.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội.

Đảm bảo an toàn trong thực hành tại trường cần được đặt lên hàng đầu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, an toàn trong quá trình học tập và thực hành là yếu tố then chốt trong việc xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, chuyên nghiệp.

“Việc bảo đảm an toàn cho sinh viên và giảng viên cần được các cơ sở giáo dục đặt lên hàng đầu, thông qua các quy trình bài bản, thực tiễn và không ngừng cải tiến. Những nỗ lực này không chỉ đảm bảo sự an tâm cho người học, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, khi tham gia hoạt động kiểm định quốc tế, các chuyên gia đánh giá cũng rất quan tâm đến yếu tố an toàn về quy trình đảm bảo trong thực hành tại các phòng thí nghiệm, phân xưởng,...” - vị Phó Hiệu trưởng cho hay.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về quy trình đảm bảo an toàn trong thực hành, thầy Quỳnh cho biết, thời gian qua, Trường Đại học Lạc Hồng đã thiết lập hệ thống nội quy an toàn chặt chẽ tại tất cả các phòng thí nghiệm và xưởng thực hành nhằm đảm bảo an toàn cho người dạy và học.

Trong đó, nội quy này bao gồm: quy định về trang phục bảo hộ, hướng dẫn sử dụng thiết bị, quy trình xử lý sự cố.

Các nội quy này được phổ biến ngay từ đầu mỗi môn học tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành. Đồng thời, nhà trường đã tích hợp các môn học về an toàn lao động vào chương trình đào tạo của các ngành kỹ thuật như Điện - Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí, Xây dựng, Thực phẩm, Dược… để sinh viên nhận thức sâu sắc về vai trò của an toàn trong công việc thực tế.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nhìn nhận, quy trình an toàn trong thực hành là yếu tố vô cùng quan trọng.

Cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn trong thực hành, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã xây dựng hệ thống quy trình rõ ràng và đồng bộ, giúp cả giảng viên và sinh viên đều có ý thức, khả năng bảo vệ bản thân trong môi trường học tập, nghiên cứu. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn góp phần xây dựng một môi trường học đường an toàn, hiện đại và chuyên nghiệp.

Trong đó, hệ thống phòng thí nghiệm và xưởng thực hành của nhà trường luôn được quan tâm sát sao, đảm bảo thực hiện đúng quy trình an toàn.

“Từng thiết bị trong phòng thí nghiệm đều được kèm theo các hướng dẫn an toàn cụ thể. Những hướng dẫn này bao gồm cách sử dụng đúng cách, các biện pháp phòng tránh nguy hiểm cũng như quy trình xử lý khi xảy ra sự cố. Điều này nhằm đảm bảo rằng, bất cứ ai sử dụng thiết bị cũng được trang bị đầy đủ thông tin và kỹ năng để sử dụng một cách an toàn” - thầy Hùng chia sẻ.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Ảnh website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Ảnh website nhà trường.

Vị Hiệu trưởng cũng cho biết thêm, đối với các môn học có liên quan đến thực hành thí nghiệm, nội dung giảng dạy cũng tích hợp các hướng dẫn an toàn lao động một cách chi tiết. Điều này giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được tiếp cận các quy trình đảm bảo an toàn khi làm việc trong môi trường thực tế. Việc xây dựng và lồng ghép các nội dung này vào từng môn học thể hiện sự chú trọng của nhà trường trong việc trang bị kiến thức toàn diện cho người học, từ lý thuyết chuyên môn đến thực hành an toàn.

Chia sẻ về quy trình kiểm định an toàn định kỳ các thiết bị, máy móc được sử dụng trong thực hành, Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho hay, quy trình kiểm định phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực nhà trường đang tổ chức và triển khai đào tạo, vì mỗi lĩnh vực có những quy chuẩn rất khác nhau. Tuy nhiên, việc kiểm tra định kỳ các thiết bị, máy móc là điều hết sức cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong quy trình đảm bảo an toàn thực hành.

“Các trường cao đẳng, đại học nói chung và trường có các ngành thuộc khối kỹ thuật, ngành nghề nặng nhọc nói riêng cần tuân thủ theo các mục, quy định, yêu cầu xây dựng cũng như các tiêu chuẩn của ngành đối với việc triển khai các hoạt động từ thiết kế, xây dựng, lắp đặt các phòng thực hành. Cùng với đó, việc đảm bảo các thiết bị thiết kế và lắp đặt được vận hành với đầy đủ tính năng và công năng theo đúng yêu cầu là điều rất cần thiết.

Đây là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên từ lãnh đạo quản lý cho đến các cán bộ kỹ thuật và thầy giáo tham gia trực tiếp vào quá trình giảng dạy” - thầy Ngọc phân tích.

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc, hiện nay, các thiết bị máy móc và công nghệ “hot” thay đổi thường xuyên đi kèm với những yêu cầu về sức khỏe, môi trường, điều kiện làm việc ngày càng nâng cao. Vì vậy, chính sách của các cơ quan quản lý cũng cần thường xuyên được quan tâm, cập nhật và nâng cao hơn. Bởi đó là yếu tố tiên quyết để người học, người lao động có môi trường làm việc an toàn; từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh nhấn mạnh, việc kiểm tra định kỳ máy móc, thiết bị là một phần không thể thiếu trong quy trình đảm bảo an toàn của Trường Đại học Lạc Hồng.

“Hằng năm, nhà trường đều thực hiện việc kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo thiết bị hoạt động đúng chức năng, tránh các lỗi kỹ thuật, gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng; loại bỏ các rủi ro tiềm ẩn, phát hiện và khắc phục kịp thời những hư hỏng hoặc hao mòn, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn.

Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm được bảo trì và bảo dưỡng thường xuyên hằng năm. Hệ thống máy lạnh tại 100% phòng học và phòng làm việc được vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ mỗi 3 tháng một lần, đảm bảo môi trường học tập và làm việc luôn thoải mái, an toàn” - thầy Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo thầy Quỳnh, Trường Đại học Lạc Hồng thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập ứng phó với các tình huống giả định như cháy nổ hoặc sự cố hóa chất.

Cùng với đó, trường cũng phối hợp với lực lượng công an phòng cháy, chữa cháy, tổ chức diễn tập thực tế cho giảng viên, đồng thời, triển khai tập huấn công tác vệ sinh học đường.

Các hoạt động khám sức khỏe được tổ chức định kỳ, bao gồm khám sức khỏe cho tân sinh viên cũng như toàn bộ cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường. Những hoạt động này không chỉ củng cố kỹ năng thực hành an toàn, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cả sinh viên lẫn giảng viên.

“Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Trường Đại học Lạc Hồng đã đào tạo thành công 4 giảng viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực an toàn, cải tiến và 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). Đây là một phần của dự án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp sản xuất. Hiện tại, các chuyên gia này đang hỗ trợ triển khai đào tạo an toàn và cải tiến cho giảng viên tại nhiều trường ở Đồng Nai, góp phần xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao cho khu vực” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin thêm.

Sự hiểu biết và ý thức chấp hành quy trình là yếu tố quan trọng nhất

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc, trên thực tế, những quy định hiện tại phần lớn đã đáp ứng được yêu cầu an toàn tại các trường thực hành và đào tạo. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là sự hiểu biết chính xác các yêu cầu về công suất kỹ thuật. Cùng với đó, ý thức chấp hành thực hiện đúng theo các quy định và quy trình cũng ảnh hưởng lớn đến an toàn trong thực hành.

“Ý thức chấp hành các quy định an toàn là yếu tố hàng đầu đối với cơ sở đào tạo nghề như chúng tôi. Trong đó, việc được học và được nhắc lại thường xuyên kiến thức về quy trình đảm bảo an toàn trong từng buổi học đến các phần thực hành sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm của học viên.

Nếu học viên được trang bị kiến thức đầy đủ và thực hiện đúng theo quy trình, việc để xảy ra các trường hợp mất an toàn là rất hãn hữu và thậm chí là không thể xảy ra” - thầy Ngọc bày tỏ.

 Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh website nhà trường.

Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh cũng nhấn mạnh về yếu tố con người trong quy trình đảm bảo an toàn thực hành: “Quy định về đảm bảo an toàn cho người dạy và học khi tham gia thực hành và thực tế, như tại Thông tư 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, là cơ sở pháp lý rất quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong thực tế. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất, bởi lẽ, con người là trung tâm của mọi hoạt động và có khả năng quyết định đến việc các quy định được thực hiện đúng hay không.

Dù quy định và cơ sở vật chất có tốt đến đâu, nếu con người thiếu nhận thức và ý thức trách nhiệm, các quy định sẽ không thể thực hiện đúng cách.

Để nâng cao ý thức về an toàn, phải xây dựng được văn hóa an toàn trong môi trường học tập và làm việc, nơi mọi người tự giác tuân thủ quy định và giúp đỡ nhau nhận diện rủi ro. Tổ chức các buổi tập huấn định kỳ và diễn tập phòng ngừa sự cố, để tạo thói quen an toàn cho người dạy và học”.

Đồng quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cũng nhìn nhận, mỗi cơ sở giáo dục đều có những quy định riêng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức chấp hành quy trình đảm bảo an toàn của các học viên.

Theo đó, tinh thần tự giác là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện quy trình đảm bảo an toàn thực hành.

“Các quy định, quy trình thì luôn có đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều học viên chưa có tính tự giác cao, nên đôi khi vẫn xuất hiện một vài sự cố không mong muốn xảy ra.

Vì vậy, nhà trường cần thường xuyên có những biện pháp giáo dục, nhắc nhở đối với học viên nhằm nâng cao kỷ luật cho học viên, tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc” - thầy Hùng nhấn mạnh.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/an-toan-trong-thuc-hanh-cho-sv-y-thuc-chap-hanh-quy-trinh-la-quan-trong-nhat-post247731.gd