Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gặp khó

Đón học sinh trở lại sau một gần 1 năm tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, các trường, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với không ít khó khăn về tài chính, thiếu giáo viên đứng lớp…

Giờ học tại cơ sở mầm non Happy Montessori (thị xã Mỹ Hào)

Khó khăn chồng chất

Toàn tỉnh hiện có 30 trường và 186 cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập. Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, trải qua nhiều đợt tạm dừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thu được học phí, nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ lương và đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên, nhân viên... Trước những khó khăn, áp lực, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã buộc phải giải thể. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4.2022, đã có 12 cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập giải thể. Các cơ sở còn hoạt động cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Đọc tin nhắn nhắc thanh toán tiền thuê mặt bằng, chị Nguyễn Thị Huyền, chủ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập Happy Montessori, phường Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào) không khỏi trầm tư. Cơ sở Happy Montessori được thành lập vào tháng 10.2019, có 2 địa điểm với 13 giáo viên. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ sở chỉ hoạt động được hơn 1 năm, còn lại phải đóng cửa, không có nguồn thu từ học phí nhưng vẫn phải chi trả tiền mặt bằng. Sau một thời gian cố gắng cầm cự, chị Huyền buộc phải đóng cửa một địa điểm để giảm chi phí thuê là 38 triệu đồng/tháng. Là cơ sở giáo dục mầm non được đầu tư hiện đại, thu học phí trung bình 4,5 triệu đồng/học sinh/tháng, sau thời gian dài nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19 chị Huyền còn lo ngại phụ huynh sẽ chuyển trường cho con vì khó khăn kinh tế. “Nguồn thu giảm trong khi vẫn phải trả mọi chi phí để duy trì khiến chúng tôi thực sự khó khăn. Vì vậy, tôi mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ, chẳng hạn hỗ trợ các gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi”, chị Huyền bày tỏ.

Tình trạng của chị Huyền cũng là vấn đề mà nhiều chủ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đang đối mặt. Trường mầm non Họa Mi Baby (Yên Mỹ) được thành lập từ năm 2017 với 3 cơ sở tại thị trấn Yên Mỹ và xã Minh Châu. Cô giáo Nguyễn Thị Vui, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch, học sinh không tới trường, đồng nghĩa với việc nhà trường không có nguồn thu. Ngoài áp lực về tài chính, trường còn đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên sau khi hoạt động trở lại. Trước khi nghỉ để phòng, chống dịch, nhà trường có 32 giáo viên và nhân viên nay chỉ có 25 người quay trở lại làm việc. Ban giám hiệu đã chủ động liên hệ với các cô giáo nhiều ngày trước khi đón học sinh trở lại nhưng nhiều cô giáo đã đi làm công nhân hay các công việc khác với thu nhập cao hơn nên họ rất đắn đo, cân nhắc. Trường đang tuyển thêm giáo viên tuy nhiên khá khó khăn vì đây là công việc áp lực nên không mấy người mặn mà.

Trên địa bàn thị xã Mỹ Hào hiện có 6 trường mầm non và 11 cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập. Ông Bùi Đức Sáng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Mỹ Hào cho biết: Khó khăn rõ nhất đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hiện nay chính là đội ngũ giáo viên trước và sau dịch có sự biến động. Không có thu nhập hoặc được hỗ trợ rất ít trong thời gian nghỉ dạy do dịch Covid-19 nên hầu hết các giáo viên và nhân viên đều phải tự trang trải cuộc sống bằng cách tìm công việc khác. Nhiều người đã nghỉ việc tạo nên “khoảng trống” nhân lực khi các cơ sở hoạt động trở lại. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ đến trường trên địa bàn thị xã mới đạt trên 40% khiến nhiều cơ sở thêm áp lực trong khâu tuyển sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Cùng với việc “gồng gánh” mọi chi phí hoạt động thì tình trạng nhiều giáo viên bỏ nghề sau một thời gian mòn mỏi vì thất nghiệp là thực trạng đang diễn ra tại nhiều nhà trường. Theo thống kê, tính đến tháng 4.2022 có trên 230 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong toàn tỉnh nghỉ việc.

Nỗ lực vượt qua đại dịch

Dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng hầu hết chủ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nỗ lực tìm cách vượt qua khó khăn, tranh thủ thời gian nghỉ do dịch để sửa sang lại cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên… Hiện nay, tại nhiều các cơ sở, trẻ đang trở lại trường đông hơn.

Trường mầm non Sao Khuê (thị xã Mỹ Hào) hiện đón trên 200 trẻ đến lớp, đạt tỷ lệ trên 85% so với thời điểm trước khi nghỉ dịch. Bà Nguyễn Thị Luân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi may mắn không phải thuê mặt bằng nên giảm áp lực tài chính hàng tháng. Thời gian nghỉ do dịch, 32 giáo viên và nhân viên của nhà trường đều được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng cùng với chế độ thưởng Tết, nghỉ lễ. Nhờ vậy, 100% giáo viên, nhân viên đều quay trở lại trường làm việc. Trong thời gian nghỉ do dịch, nhà trường thường xuyên xây dựng các tiết học online tư vấn phụ huynh chăm sóc, hướng dẫn các con học bài tại nhà…

Cô giáo Nguyễn Thị Hưng, Hiệu trưởng Trường mầm non Thiên Đức (thành phố Hưng Yên) cho biết: Hoạt động được 2 tháng thì trường nghỉ do dịch gần 1 năm, đây là khó khăn và thử thách với nhà trường. Làm sao để giữ chân học sinh cũ, thu hút học sinh mới sau khi hoạt động trở lại là điều trăn trở đối với nhà trường. Vì vậy, trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19, chúng tôi tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, trang bị thêm các bộ giáo cụ theo chương trình Montessori, sản xuất các video dạy học online, đồng thời duy trì tương tác và hỗ trợ phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà… Cùng với đó, để giữ chân giáo viên, trường đóng bảo hiểm xã hội và trả lương cơ bản cho 100% giáo viên trong những tháng nghỉ do dịch.

Ông Đỗ Tiến Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát lại tình hình của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó sẽ có đánh giá lại toàn bộ, đồng thời đề xuất các kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở này.

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202204/co-so-giao-duc-mam-non-ngoai-cong-lap-gap-kho-9e337f2/