Cơ sở giết mổ tập trung còn 'yếu thế'

Dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chính sách để đầu tư hoặc nếu có thì hoạt động cầm chừng… Đây là vấn đề được thảo luận tại hội thảo 'Những tồn tại, bất cập về chính sách phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp trong chăn nuôi ở Việt Nam' do Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng nay 29/6, tại Hà Nội.

Đến nay, cả nước mới có 345 cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm; vẫn còn hơn 24.600 cơ sở giết mổ, nhỏ lẻ. Điều đáng nói, cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% số cơ sở này. Trong khi đó, nhiều cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng lại đang trở nên “yếu thế” vì nhiều vướng mắc.

Một trong những khó khăn nội tại là cơ chế. Đơn cử như Luật Thuế giá trị gia tăng số 13 năm 2008 quy định sản phẩm sơ chế trong trồng trọt, chăn nuôi chưa chịu thuế này. Đến năm 2016, luật này sửa đổi lại áp thuế 5% với sản phẩm chế biến bán cho người dân. Như vậy, người giết mổ tập trung công nghiệp vừa chịu chi phí đầu tư cao, lại gánh thêm thuế khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà.

Theo các chuyên gia, cần quy hoạch lại quy mô chăn nuôi cũng như mạng lưới cơ sở giết mổ, tập trung vào các có sở hiện đại; tăng cường giám sát hoạt động giết mổ không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư bởi đây là một lĩnh vực đòi hỏi kinh phí lớn, quy mô lâu dài.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Lan - Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-so-giet-mo-tap-trung-con-yeu-the-227246.htm