Cơ sở hóa lỏng lớn thứ bảy thế giới lùi thời gian tái khởi động
Cảng xuất khẩu Freeport LNG ở Texas, Mỹ đã quyết định lùi ngày khởi động lại mà nó đã dự kiến trước đó.
Freeport LNG đã ngừng hoạt động từ tháng 6 và được chia sẻ vào đầu tháng này rằng cảng dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa để kịp hoạt động trở lại một phần vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, Freeport LNG hiện có thể buộc phải lùi thời hạn khởi động lại cho đến giữa tháng 11, đạt sản lượng 2 tỷ feet khối khí (Bcf) mỗi ngày vào cuối tháng 11, công ty cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 23/8.
Mức 2 Bcf mỗi ngày thể hiện 85% công suất xuất khẩu của cơ sở. Công ty cho biết, phần còn lại dự kiến sẽ được khôi phục vào tháng 3 năm 2023, "mặc dù các rủi ro xây dựng điển hình có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khôi phục".
Trước đó, công ty Freeport LNG có trụ sở tại Houston đã ghi nhận một vụ nổ vào ngày 8/6 vừa qua khiến nhà máy này phải ngừng hoạt động để đánh giá thiệt hại và tiến hành sửa chữa.
Freeport LNG chiếm 20% tổng công suất xuất khẩu LNG của Mỹ, có khả năng xử lý 2,1 tỷ feet khối khí mỗi ngày. Theo Freeport LNG, đây là cơ sở hóa lỏng lớn thứ bảy trên thế giới và lớn thứ hai ở Mỹ.
Sự ngừng hoạt động kéo dài nhiều tháng từ cảng của Mỹ đã hạn chế xuất khẩu vào thời điểm quan trọng đối với EU, trong bối cảnh khối đang cố gắng loại bỏ khí đốt của Nga.
Freeport LNG đã tuyên bố bất khả kháng vào tháng 6 sau vụ nổ, được cho là sẽ kéo dài đến tháng 9. Công ty đã rút lại lý do bất khả kháng vào cuối tháng 6, trong khi các cơ sở vẫn đóng cửa.
Tuyên bố bất khả kháng sẽ cung cấp sự bảo vệ cho các thương nhân không thực hiện được nghĩa vụ cam kết giao nhận khí thiên nhiên. Nếu không có điều này, các nhà giao dịch sẽ phải tìm nguồn cung cấp thay thế trên thị trường giao ngay - thường ở mức giá cao hơn nhiều, dẫn đến thua lỗ đáng kể.
Giá khí đốt tại Henry Hub giao dịch giảm sau thông báo.