Cơ sở may gia công góp phần tạo việc làm cho nữ lao động nông thôn
Chất lượng lao động thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm chưa cao là một trong những 'rào cản' khiến phụ nữ nông thôn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi việc làm và tiếp cận thị trường lao động. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, nhiều hội viên phụ nữ đã tự đứng ra mở các cơ sở may gia công tại nhà, góp phần giải quyết hiệu quả 'bài toán' việc làm cho nhiều chị em phụ nữ với mức thu nhập ổn định. Đây được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Trước đây, chị Phan Thị Vân, ở Thôn 1, thị trấn Diên Sanh là chủ của một tiệm may nhỏ gần nhà. Thế nhưng nhu cầu may mặc của người dân địa phương ngày một ít dần nên thu nhập từ nghề may của chị Vân cũng trở nên bấp bênh, khiến chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2017, chị Vân mạnh dạn vay vốn, tìm kiếm đơn hàng từ các công ty lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư máy móc, thiết bị để mở cơ sở may gia công ngay tại nhà. Mục đích vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nhất là những chị em có con nhỏ, không có điều kiện đi làm tại các công ty xa nhà. Ban đầu khi cơ sở mới đi vào hoạt động, chị Vân gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, kinh nghiệm trong thương trường. Tuy nhiên, với ý chí, nghị lực, chị Vân đã dần đứng vững và đi đến thành công. Hiện nay, cơ sở may của chị Vân tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, góp phần giúp chị em phụ nữ ở địa phương nâng cao thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Cơ sở may gia công của chị mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em bố trí thời gian làm việc đạt năng suất, hiệu quả cao nhất, đủ thời gian để hưởng chế độ chuyên cần. Thu nhập người lao động có tay nghề cao có thể đạt trên 7 triệu đồng/tháng, trung bình đạt 4-5 triệu đồng/tháng.Những lúc cao điểm như lễ, tết, đơn hàng nhiều, chị phải huy động thêm thợ may tại các thôn lân cận. Đây là điều kiện thuận lợi để các lao động nữ có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, các cơ sở may gia công tại thị trấn Diên Sanh cũng thu hút nhiều lao động nữ xa quê có động lực trở về và ổn định cuộc sống với thu nhập khá. Như trường hợp của chị Lê Thị Nguyệt, ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng từng là công nhân may có kinh nghiệm của một công ty xa nhà. Chị Nguyệt cho biết, lương công nhân may ở các công ty cũng khá ổn định, nhưng thời gian làm việc rất nghiêm ngặt, thường xuyên tăng ca nên chị không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và con nhỏ. Do vậy, chị quyết định về quê xin vào xưởng may gia công của chị Phan Thị Vân để làm việc. Nhờ có tay nghề lâu năm, thu nhập bình quân của chị luôn trên 6 triệu đồng/tháng. “Thu nhập ổn định giúp tôi trang trải cuộc sống là một phần. Phần khác là tôi có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc các con và trồng rau, nuôi gà. Buổi sáng, tôi có thể tranh thủ mang ít rau trái trong vườn đi chợ sớm, dọn dẹp nhà cửa xong mới đến xưởng may để làm việc”.
Đến thăm cơ sở may gia công Quỳnh Phương của gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương, ở Thôn 1, thị trấn Diên Sanh, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động hăng say của hơn 20 chị em là lao động tại địa phương. Với tay nghề thâm niên sau hơn 15 năm làm công nhân may ở miền Nam, chị Phương đã quyết định trở về quê hương, tìm hiểu, tiếp cận thêm nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Hội LHPN thị trấn để mở cơ sở may công nghiệp tại nhà với tổng số vốn đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng. Cơ sở của chị chuyên nhận may hàng thời trang xuất khẩu cho các công ty may mặc ở các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Đà Nẵng. Hơn 3 năm đi vào hoạt động, vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay cơ sở may Quỳnh Phương hoạt động khá hiệu quả và là một trong những cơ sở may thu hút nhiều lao động nữ của địa phương đến làm việc. Bình quân mỗi tháng, người lao động có thu nhập ổn định từ 4- 6 triệu đồng/người. Ngoài ra, cơ sở may của chị Phương còn cung cấp nguyên liệu cho 7 nhóm may gia công tại gia đình trên địa bàn các xã lân cận… Sau khi trừ chi phí, nguồn thu từ cơ sở may của chị Phương đạt từ 12- 15 triệu đồng/tháng.
Theo chị Phương, gia công hàng xuất khẩu đòi hỏi yêu cầu rất cao, đường may phải tỉ mỉ, chính xác. Tất cả sản phẩm trước khi xuất đi chị đều kiểm tra rất kỹ lưỡng, cái nào chưa đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ ngay, do đó xưởng đã tạo được niềm tin cho đối tác và có chỗ đứng trên thị trường may gia công. “Thời gian này, cơ sở của tôi đang nhận đơn hàng may áo quần bảo hộ phòng, chống dịch và khẩu trang vải kháng khuẩn để xuất khẩu ra các nước. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của tôi nhận gia công trên 5.000 sản phẩm. Đơn đặt hàng rất nhiều, lao động tại địa phương cũng khá dồi dào, thế nhưng vấn đề khó khăn nhất đối với tôi hiện nay chính là thiếu nguồn vốn để đầu tư, mua sắm thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho lao động nữ tại địa phương. Trong thời gian tới, tôi mong muốn sẽ được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để công nhân tại cơ sở được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật. Đối với những lao động chưa có tay nghề, tôi sẵn sàng nhận đào tạo, sau đó giúp họ tìm được việc làm”, chị Phương cho biết.
Hiện trên, địa bàn thị trấn Diên Sanh nói riêng và huyện Hải Lăng nói chung đã có rất nhiều cơ sở may gia công đang hoạt động giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nữ của địa phương. Những cơ sở may gia công này đã mang lại nhiều lợi ích cho người lao động cũng như doanh nghiệp. Người lao động được chuyển đổi ngành nghề, tham gia lao động công nghiệp, có thêm việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống mà không xa quê, cuộc sống được ổn định bền vững.
Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Diên Sanh Võ Thị Thúy Kiều cho biết: “Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương” là cách làm hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, các cơ sở may gia công đã góp phần giúp nhiều phụ nữ có đời sống ổn định mà không phải xa quê. Ngoài nguồn vốn vay giải quyết việc làm, trong thời gian tới, nếu có kênh vay vốn phù hợp, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để các cơ sở may tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động là hội viên, phụ nữ tại địa phương”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147022