Cơ sở sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh đối diện hình phạt nào?
Thông tin cơ sở sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh vừa được đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện đang khiến dư luận bày tỏ sự bất bình. Vậy, cơ sở sản xuất khẩu trang này phải đối diện với hình phạt thế nào?
Trước tình hình lây lan của dịch Covid-19 (nCoV), đặc biệt kể từ khi Việt Nam ghi nhận một số trường hợp nhiễm bệnh, rất nhiều người dân tâm lý hoang mang đã đổ xô đi mua khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát khuẩn,… để phòng ngừa dịch bệnh.
Lợi dụng tình trạng này, thời gian qua đã có không ít tiểu thương tự ý tăng giá khẩu trang lên gấp 4 – 5 lần so với ngày thường, điều này khiến dư luận lên án gay gắt và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, phạt hoặc thậm chí tước giấy phép hiệu thuốc nào lợi dụng thời điểm dịch để tăng giá khẩu trang.
Trước hình hình dịch bệnh, các cơ sở sản xuất khẩu trang cũng tập trung sản xuất khẩu trang phục vụ người dân. Thế nhưng, ngày 13/2, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra bất ngờ cơ sở sản xuất khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn (tại địa chỉ Khôn Thôn, Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội).
Tại đây, người thợ kỹ thuật của Công ty TNHH Việt Hàn cho biết, trước đó đã mua một cuộn giấy vệ sinh với trọng lượng 40kg từ Bắc Ninh đem về cơ sở ở xã Minh Cường. Số giấy này được đưa vào máy để sản xuất thành khẩu trang 4 lớp thay cho lớp vải kháng khuẩn. Với số lượng 40kg giấy vệ sinh sẽ sản xuất ra khoảng 2-3 thùng, mỗi thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc (tương đương 5.000-7.500 chiếc khẩu trang).
Việc sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh này khiến dư luận hết sức bất bình. Sáng ngày 14/2 trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc công ty luật TNHH LSX - đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Đối với tội danh Tội sản xuất, buôn bán hàng giả căn cứ để xác định hành vi vi phạm hình sự cơ bản dựa trên yếu tố hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng.
Cơ quan điều tra sẽ xác định số lượng hàng hóa làm giả để xác định hành vi vi phạm hình sự và khung hình phạt tương ứng.
Nếu số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với cá nhân thực hiện hành vi tội phạm”.
Luật sư Lực cũng thông tin thêm, ngoài ra đối với pháp nhân là công ty thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu pháp nhân lập ra chỉ để thực hiện hành vi phạm tội thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Trước hành vi sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh, luật sư Lực nhấn mạnh: “Trong bối cảnh cả xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tôi cho rằng hành vi làm giả khẩu trang y tế là hành động cực kỳ nguy hiểm, thiếu đạo đức con người. Hành vi này cần bị nghiêm trị để người tiêu dùng yên tâm trong sử dụng các dụng cụ y tế, góp phần hạn chế đẩy lùi dịch bệnh bảo vệ tính mạng sức khỏe nhân dân, sự an toàn của xã hội”.