Cơ sở y tế lúng túng vì… nợ

Đã là tháng 7-2019 nhưng các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thanh toán chi phí khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) của năm 2018 do vượt dự toán. Trong bối cảnh các đơn vị y tế chuyển dần sang cơ chế tự thu-chi, tình hình này đã khiến nhiều đơn vị thiếu kinh phí hoạt động và phải thường xuyên nhận công văn đòi nợ của các nhà cung ứng thuốc, vật tư y tế.

Nhà thầu “dọa” tạm ngừng cung ứng thuốc, vật tư y tế

Ngày 3-6-2019, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai có Báo cáo số 01/BC-XNKYT về tình hình công nợ cung ứng thuốc chữa bệnh. Theo báo cáo, hiện nay, một số bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh còn nợ Công ty tiền thuốc, vật tư tiêu hao từ năm 2017 và 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán. Vì vậy, Công ty phải tạm ngừng cung ứng thuốc, vật tư y tế tiêu hao cho đến khi công nợ được thanh toán.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gặp khó do chậm được thanh toán số chi KCB BHYT. Ảnh: Như Ý

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gặp khó do chậm được thanh toán số chi KCB BHYT. Ảnh: Như Ý

Theo tìm hiểu của P.V, không chỉ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai mà một số nhà cung ứng thuốc, vật tư y tế khác cũng thường xuyên gửi công văn nhắc nợ đến các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nợ tiền thuốc, vật tư y tế là bởi chậm được thanh toán số chi KCB BHYT trong năm 2018 do vượt dự toán được giao. Theo dự kiến, nhanh nhất là khoảng tháng 10-2019, vấn đề này mới được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo BHXH tỉnh, năm 2018 là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi phí KCB BHYT cho các địa phương. Gia Lai được giao dự toán chi cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh là 806,626 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả chi KCB BHYT đa tuyến đi ngoại tỉnh). Trong năm 2018, tổng bệnh nhân KCB BHYT là 1.980.996 lượt, tương ứng với tổng số chi trên 960 tỷ đồng. Như vậy, tổng chi phí KCB BHYT năm 2018 của tỉnh vượt hơn 153 tỷ đồng so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp cùng Sở Y tế tổ chức thẩm định nguyên nhân vượt dự toán chi KCB BHYT năm 2018. Qua thẩm định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tăng số đối tượng tham gia BHYT hàng năm, dẫn đến tăng số lượt KCB BHYT (tăng cơ học); số lượt bệnh nhân nặng điều trị dài ngày hoặc cần chuyển đến cơ sở KCB ở tuyến cao hơn gia tăng nên chi phí KCB BHYT lớn. Bên cạnh đó, do thời tiết và khí hậu biến đổi, có thời điểm và cục bộ ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết; một số cơ sở KCB BHYT đầu tư trang-thiết bị y tế như xét nghiệm, X-quang vào trong công tác chẩn đoán và điều trị…

Cơ sở y tế gặp khó

Tình trạng chậm được thanh toán số chi KCB BHYT trong năm 2018 đã khiến nhiều bệnh viện, trung tâm y tế gặp khó trong hoạt động, nhất là trong điều kiện thực hiện cơ chế tự thu-chi. Ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-chia sẻ: Việc chậm được thanh toán số chi vượt dự toán KCB BHYT trong năm 2018 đã khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn do có nhiều khoản phải chi như: tiền lương cho cán bộ, nhân viên y tế; tiền điện, nước, thuốc, vật tư y tế và rất nhiều khoản chi khác. Không có lương thì nhân viên “đói”, không trả tiền điện nước thì sẽ bị cắt, còn tiền thuốc thì liên tục bị đòi nợ, không trả thì nhà cung ứng ngừng cung cấp.

Năm 2018, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông được giao dự toán gần 9,8 tỷ đồng, mức giao thấp so với nhu cầu KCB thực tế. Bên cạnh đó, tần suất KCB ngày càng tăng cao dẫn tới số chi năm 2018 vượt dự toán giao gần 3,5 tỷ đồng. Qua các bước giải trình, thẩm định, trong giai đoạn chờ đợi, đơn vị rất chật vật về nguồn chi cho thuốc men, vật tư y tế. Trong báo cáo tình hình công nợ tiền thuốc, đơn vị này cho biết đang nợ tổng cộng trên 2,2 tỷ đồng và nợ tiền thuốc là do BHXH chưa thanh-quyết toán kinh phí KCB của năm 2017 và năm 2018 cho cơ sở trên 3,9 tỷ đồng. Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cũng đang nợ tiền thuốc trên 1,6 tỷ đồng và tính đến nay BHXH còn “nợ” Trung tâm Y tế huyện Chư Sê gần 10 tỷ đồng.

Những khó khăn trên nếu các bộ, ngành không kịp thời tháo gỡ, có cơ chế thống nhất thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở y tế. Về phía BHXH tỉnh, Sở Y tế và các ngành liên quan đã có nhiều buổi làm việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua đó, BHXH tỉnh đã có báo cáo gửi BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện dự toán chi KCB BHYT và việc thẩm định, xác định nguyên nhân vượt trần đa tuyến đến, vượt dự toán năm 2018 của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết.

Trao đổi với P.V, ông Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Sở đã chỉ đạo giám đốc các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh báo cáo tình hình thanh toán tiền thuốc với các nhà thầu trúng thầu tập trung cấp địa phương năm 2017-2018 và báo cáo để Sở có cơ sở xem xét, kịp thời giải quyết nếu có vướng mắc. Việc thanh toán tiền thuốc phải đúng với mục đích mà BHXH đã chi trả. Giám đốc các đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc ảnh hưởng đến công tác KCB tại đơn vị do nhà thầu ngừng cung ứng vì không thanh toán tiền thuốc theo đúng quy định.

Như Ý

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8205/201907/co-so-y-te-lung-tung-vi-no-5640808/