Có thể bị viêm phổi mà không ho, sốt hay không?

Ho và sốt là một trong những triệu chứng điển hỉnh của viêm phổi. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh có thể không ho, sốt.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Ho và sốt là những triệu chứng điển hình của viêm phổi nhưng có một số trường hợp lại không xuất hiện triệu chứng này. Vậy lý do vì sao bị viêm phổi lại không ho, sốt? Liệu không ho và sốt khi bị viêm phổi có phải là bệnh nhẹ hay không?

1. Tại sao có thể bị viêm phổi mà không ho, sốt?

Ho và sốt là triệu chứng điển hình của viêm phổi, kèm theo đó có thể xuất hiện các triệu chứng khác như đờm đặc, hụt hơi, đau khi thở hoặc ho, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy.

Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh viêm phổi không phải lúc nào cũng xảy ra cùng một lúc và không phải ai cũng gặp hết các triệu chứng trên. Theo một bài báo năm 2018, một số nhóm người có thể không gặp phải tất cả các triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi, bao gồm cả sốt và ho.

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có thể gặp các triệu chứng không điển hình, chẳng hạn như nhiệt độ thấp hơn bình thường thay vì sốt.

Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA) tuyên bố rằng người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu cũng có thể có ít triệu chứng hơn hoặc nhẹ hơn. Do đó, điều này cũng dễ gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán ban đầu.

Hơn nữa, viêm phổi không sốt cũng dễ xảy ra hơn ở những người mắc bệnh tim hoặc phổi, bao gồm:

- Bệnh xơ nang

- Hen suyễn

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

- Khí phổi thủng

- Giãn phế quản

- Bệnh tiểu đường không được quản lý

- Chứng mất trí nhớ

- Đột quỵ

Ngoài ra, những người mắc bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma có thể không sốt hoặc sốt nhẹ. Đây là dạng viêm phổi nhẹ và hiếm khi phải nhập viện.

Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có thể bị viêm phổi không mà không sốt (Ảnh: ST)

Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu có thể bị viêm phổi không mà không sốt (Ảnh: ST)

2. Viêm phổi không ho, không sốt có phải là bệnh nhẹ?

Mặc dù một số trường hợp không ho và sốt khi bị viêm phổi nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cần chú ý.

Người lớn tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy giảm có thể có nhiệt độ cơ thể thấp hơn nếu họ bị viêm phổi. Ngoài ra, người lớn tuổi bị viêm phổi cũng có thể có những thay đổi về trạng thái tinh thần, chẳng hạn như lú lẫn.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị sốt hoặc không sốt nhưng có thể thở nhanh, phập phồng mũi và rên rỉ. Các dấu hiệu nhiễm trùng nặng cũng có thể bao gồm bỏ ăn, nhiệt độ cơ thể thấp và co giật.

Vì vậy, dù không xuất hiện triệu chứng ho và sốt, mọi người cần chú ý đến các dấu hiệu khác của người bệnh để có hướng chăm sóc, điều trị phù hợp.

Viêm phổi còn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

- Suy hô hấp: Viêm nặng và tích tụ chất lỏng trong phổi có thể dẫn đến khó thở nghiêm trọng, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về phổi như hen suyễn hoặc COPD. Người bị suy hô hấp cần được cấp cứu kịp thời.

- Áp xe phổi: Đây là sự tích tụ mủ - một chất lỏng đặc, màu vàng hoặc xanh lục - trong các khoang của phổi. Áp xe phổi cần phải được dẫn lưu và trong một số trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ.

- Nhiễm khuẩn huyết: Đây là sự lây lan của vi khuẩn gây viêm phổi vào máu. Vi khuẩn có thể lây lan sang các cơ quan khác, dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như suy thận và viêm màng não cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

- Tràn dịch màng phổi: Đây là tình trạng khoang màng phổi có ứ đọng chất lỏng một cách bất thường. Tình trạng này được điều trị bằng cách rút chất lỏng bằng ống thông hoặc ống ngực, đôi khi cần phải phẫu thuật.

Viêm phổi không ho, sốt không phải là do bệnh nhẹ (Ảnh: ST)

Viêm phổi không ho, sốt không phải là do bệnh nhẹ (Ảnh: ST)

3. Khi nào cần đến bác sĩ?

Viêm phổi là một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế kịp thời. Ngay cả khi một người không bị ho hoặc sốt, điều này không loại trừ khả năng họ bị viêm phổi vừa hoặc nặng.

Do đó, khi có các triệu chứng của viêm phổi, mọi người nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng dưới đây thì cần được cấp cứu ngay:

- Khó thở, ngay cả khi nghỉ ngơi

- Mệt mỏi

- Đau ngực và khó chịu ngày càng nặng hơn

- Nhầm lẫn hoặc khó khăn về nhận thức

4. Có phòng ngừa được viêm phổi không?

Như đã biết, viêm phổi là do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Trong đó có nhiều loại vi khuẩn, virus dễ lây lan thông qua giọt bắn hoặc chạm vào đồ vật có chứa virus và vi khuẩn, sau đó cho lên mắt, mũi, miệng. Chúng ta cũng có thể bị viêm phổi do nấm thông qua việc hít phải các bào tử có trong môi trường.

Vì vậy, mặc dù không phòng ngừa được hoàn toàn nhưng chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi bằng một số cách:

- Thực hành vệ sinh tốt. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn nếu không có xà phòng và nước.

- Tiêm phòng đầy đủ như phế cầu khuẩn, cúm và Haemophilus influenzae loại b (Hib).

- Tránh hút thuốc. Hút thuốc có thể làm tổn thương phổi và làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.

- Giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bằng cách ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, ngủ sớm, giữ tinh thần thoải mái,...

Có thể nói, viêm phổi không ho, sốt thường diễn ra ở người lớn tuổi hoặc trẻ sơ sinh, những người có hệ miễn dịch suy giảm. Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm, do đó mọi người không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Nguồn: Tổng hợp

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-the-bi-viem-phoi-ma-khong-ho-sot-hay-khong-20231114111151291.htm