Có thể đã phát hiện vi khuẩn sống trong tầng địa chất 2 tỷ năm tuổi
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết có thể đã phát hiện vi khuẩn sống từ các tầng địa chất 2 tỷ năm tuổi ở Nam Phi.
Nếu được xác nhận, đây có khả năng là vi khuẩn sống lâu đời nhất từng được tìm thấy và có thể cung cấp manh mối làm sáng tỏ nguồn gốc và sự tiến hóa của sự sống trên Trái đất.
Hồi tháng 5-2024, nhóm do Phó giáo sư Yohey Suzuki dẫn đầu tham gia một dự án khoa học quốc tế khoan vào các tầng được gọi là Bushveld ở phía đông bắc Nam Phi.
Địa tầng Bushveld hình thành cách đây 2 tỷ năm khi lớp phủ sâu bên trong Trái đất trồi lên thành lớp vỏ Trái đất. Khu vực này được biết đến là một trong những nơi có trữ lượng crôm, bạch kim và các khoáng chất quan trọng khác nhiều nhất thế giới.
Đến cuối tháng 6, nhóm đã khoan tới độ sâu 500m trong tầng địa chất. Phó giáo sư Suzuki đã mang về Nhật Bản một số mẫu đá mà nhóm thu được cho đến nay. Ông cho biết sau khi quan sát kỹ lưỡng đã phát hiện được lượng lớn vi khuẩn trong một vết nứt trên đá.
Ông cũng nói rằng kết quả phân tích chi tiết hơn đã cho thấy những vi khuẩn này có những tế bào chứa ADN và protein chỉ có thể được tạo ra bởi các sinh vật sống đã được phát hiện từ các tế bào đó. Những bằng chứng này cho thấy nhiều khả năng vi khuẩn vẫn còn sống trong đá.
Nhóm nghiên cứu cho biết các địa tầng khoan trong dự án được biết đến là đã ổn định kể từ khi hình thành và rất có khả năng các vi khuẩn nguyên thủy có niên đại 2 tỷ năm đã tồn tại bên trong đá.
Khám phá này có thể làm thay đổi đáng kể lịch sử vi khuẩn cổ đại. Những vi khuẩn sống lâu đời nhất được tìm thấy trước đây chỉ có niên đại khoảng 100 triệu năm. Chúng được tìm thấy trong các trầm tích dưới đáy biển.
Nhóm của ông Suzuki dự định phân tích bộ gen để xác định xem liệu các vi khuẩn mà nhóm phát hiện được có thực sự có niên đại 2 tỷ năm hay không.
Theo NHK