Có thể học ngành Kinh doanh quốc tế nếu như bạn chưa giỏi tiếng Anh?
Trong 'sức nóng' chung của khối ngành kinh tế - quản trị hiện nay, Kinh doanh quốc tế trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ với tinh thần hội nhập và mong muốn khẳng định bản thân trong môi trường doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng chính chất 'quốc tế' khiến không ít bạn băn khoăn, nếu tiếng Anh không giỏi thì học ngành này được không?
Cùng lý giải ngành Kinh doanh quốc tế từ “góc nhìn chuyên môn” - để gỡ rối không chỉ vấn đề tiếng Anh mà còn cả nhiều “bí mật” khác trước khi quyết định lựa chọn nhé!
Ngành Kinh doanh quốc tế: Không chỉ có ngôn ngữ quốc tế
Thuộc nhóm kinh tế - quản trị nên đầu tiên, Kinh doanh quốc tế sẽ trang bị cho bạn kiến thức nền tảng về kinh tế vi mô - vĩ mô, nguyên lý kế toán, nguyên lý thống kê, quản trị logistics,... trước khi đi vào kiến thức chuyên sâu về kinh tế quốc tế, thanh toán quốc tế, tài chính quốc tế, marketing quốc tế. Bên cạnh đó là kỹ năng phân tích thị trường, xây dựng chiến lược, triển khai chiến dịch kinh doanh và tiếng Anh - ngôn ngữ toàn cầu, “chìa khóa” giúp bạn dễ dàng làm việc trong môi trường doanh nghiệp đa quốc gia.
Tin vui là bạn không cần phải thật “siêu” tiếng Anh mới có thể học tốt ngành Kinh doanh quốc tế. Khi xét tuyển, một số trường đại học uy tín như trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) đều có xét tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). HUTECH và UEF còn có xét tuyển tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cho ngành Kinh doanh quốc tế; đồng thời kết hợp đào tạo tiếng Anh ngay trong chương trình chính thức, giúp phát triển năng lực ngoại ngữ song song với chuyên môn. Do đó, bạn không cần phải giỏi tiếng Anh mới trúng tuyển được ngành Kinh doanh quốc tế, nhưng tất nhiên, bạn sẽ tiếp tục dành thời gian đầu tư cho môn tiếng Anh trong chính môi trường đại học để nâng cao sức cạnh tranh của mình.
Năng lực hội nhập & tư duy toàn cầu - “bí kíp” để thành công
Cùng với kiến thức chuyên môn và vốn tiếng Anh được trang bị trong quá trình học tập, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế nên chú trọng năng lực hội nhập và tư duy toàn cầu - năng lực “phát hiện” mối liên hệ giữa các doanh nghiệp, thị trường, con người,... trong quá trình toàn cầu hóa, để từ đó “nhìn thấy” vấn đề và đề xuất được giải pháp, chiến lược.
Bạn có thể phát triển năng lực này trước tiên bằng cách tận dụng” tối đa môi trường đại học của mình - thông qua những kiến thức cập nhật, các chương trình giao lưu quốc tế, học kỳ trao đổi,... Như ở HUTECH, chương trình đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế được tham khảo từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản để cập nhật những kiến thức mới nhất, phát triển kỹ năng “chuẩn quốc tế” bằng cách xử lý tình huống, khảo sát thực tế, học theo dự án,... Cơ hội gặp gỡ, giao lưu cùng sinh viên ĐH Pittsburgh, ĐH Lincoln (Hoa Kỳ), ĐH Cergy-Pontoise (Pháp), ĐH Kobe (Nhật Bản),... thông qua các chương trình giao lưu và học kỳ trao đổi cũng là dịp để sinh viên vừa để tăng cường năng lực ngoại ngữ, vừa học hỏi tác phong của sinh viên nước bạn.
Chọn chuyên ngành phù hợp, tăng cao cơ hội việc làm
Với phạm vi kiến thức rộng cộng thêm yêu cầu về kỹ năng và tiếng Anh, việc trở thành “master” về Kinh doanh quốc tế sẽ là “điệp vụ bất khả thi”. Thế nên, hầu hết các trường đại học hiện nay đều định hướng chuyên ngành để sinh viên dễ dàng học tập chuyên sâu. Như ngành Kinh doanh quốc tế tại HUTECH, sinh viên chọn một trong ba chuyên ngành Thương mại quốc tế, Tài chính quốc tế, Kinh doanh điện tử để học tập và làm đồ án, qua đó phát triển tối đa kỹ năng chuyên môn, nâng cao đáng kể cơ hội việc làm trong chính lĩnh vực yêu thích.
Cụ thể, sinh viên có thể trở thành nhân viên xuất nhập khẩu, logistics, marketing, nghiên cứu thị trường, quan hệ công chúng trong các công ty sản xuất, kinh doanh, thương mại; trở thành chuyên viên ngân hàng, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư trong các ngân hàng, công ty tài chính; hoặc làm việc trong các doanh nghiệp thương mại điện tử. Một số lựa chọn nổi bật khác là làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, các tổ chức phi chính phủ về xúc tiến thương mại, kinh tế đối ngoại, nghiên cứu kinh tế, quan hệ quốc tế,...
Thông tin xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế tại một số trường Đại học:
- Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia.
- Trường Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 trở lên; hoặc xét kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM; hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng của HUTECH.
- Trường Đại học UEF: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét tuyển học bạ; hoặc xét kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM.