Có thể khởi tố hình sự vụ điện giật chết 2 bé trai ở Thủ Đức?

Luật sư cho rằng dựa vào hậu quả là hai người tử vong thì đã có dấu hiệu của vụ án hình sự.

Như PLO đã thông tin ngày 21-7, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã khám nghiệm hiện trường, làm việc với các bên liên quan để điều tra làm rõ vụ điện giật tại công trình xây dựng đường Vành Đai 2 (đường Ụ Ghe, quận Thủ Đức) khiến hai bé trai tử vong.

Do đơn vị thi công cẩu thả

Thông tin ban đầu, công an xác định đơn vụ thi công đã tự ý kéo đường dây điện hạ thế vào công trình để thực hiện việc đóng cọc. Hết giờ làm, các công nhân không dọn dẹp, rào chắn dây điện để nhóm trẻ em ở gần đó tới gần đùa giỡn dẫn đến bị điện giật.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: PLO

Hiện trường vụ việc. Ảnh: PLO

Trước đó, khoảng 15 giờ cùng ngày, tại bãi đất trống thuộc khu vực thi công đường vành đai 2, nối Phạm Văn Đồng với Gò Dưa, quận Thủ Đức, TP.HCM có một nhóm trẻ đang chơi đùa.

Sau đó bé Lê Minh Ch. (10 tuổi) bất ngờ bị điện giật. Hai bé khác trong nhóm lập tức chạy đến cứu bạn. Nhưng kết quả là bé Ch. đã tử vong, bé Trương Đặng Văn B. (10 tuổi) và một bé gái 16 tuổi được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bé B. cũng đã tử vong còn bé gái đang được điều trị.

Có căn cứ để khởi tố vụ án

Vấn đề pháp lý nhiều người quan tâm đó là trách nhiệm của đơn vị thi công trong vụ việc như thế nào?

Luật sư Đăng Trường Thanh – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, việc hai cháu bé bị điện giật chết thể hiện hậu quả của vụ việc là rất lớn. Vì thế, trước hết cơ quan chức năng nên khởi tố vụ án. Mục đích là để xác định trách nhiệm của đơn vị thi công, bộ phận nào, cá nhân nào… đã vi phạm nguyên tắc an toàn dẫn đến xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Những thông tin ban đầu cho thấy, vụ việc có dấu hiệu của tội vô ý làm chết người theo điều 128 BLHS 2015... Sau đó tùy theo kết quả điều tra, cơ quan chức năng có thể xác định tội danh đối cụ thể với từng tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan.

Theo luật sư Thanh nguồn điện lưới được luật xác định là nguồn nguy hiểm cao độ nên mức độ nguy hiểm rất cao. Mức độ nguy hiểm không thể nhìn thấy một cách trực tiếp và có thể đánh giá cụ thể hậu quả.

Mặt khác, cần xác định thêm nhiều yếu tố như khi làm việc đơn vị thi công mắc dây điện có làm hết trách nhiệm cảnh báo, có làm hàng rào ngăn cách để cảnh báo, báo hiệu nguy hiểm hay không. Ngoài ra hai cháu bé bị thiệt mạng bước vào khu đang thi công bằng lối chính hay chui qua hàng rào cảnh báo nguy hiểm?

Đối với trách nhiệm bồi thường dân sự, nếu được xác định là người có lỗi thì đơn vị thi công phải chịu các loại chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, điều trị phục hồi sức khỏe, ma chay, bồi thường về tổn thất tinh thần, cho các nạn nhân. Căn cứ pháp lý là điều 591 BLDS 2015 (quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm).

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng, nếu có hậu quả chết người xảy ra thì có thể khởi tố vụ án về tội vô ý làm chết người.

Trường hợp đơn vị thi công biết hành vi tự ý kéo đường dây điện hạ thế vào công trình để thực hiện việc đóng cọc là nơi có nhiều người qua lại, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra thì có cơ sở để truy tố về tội giết người.

MINH VƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/co-the-khoi-to-hinh-su-vu-dien-giat-chet-2-be-trai-o-thu-duc-847473.html