Con đường gốm sứ ven sông Hồng được xây dựng nhân kỉ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là niềm tự hào của người dân Thủ đô.
Con đường gốm sứ này được xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và được ghi danh vào kỷ lục Guinness là "bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới". Được khởi công từ năm 2006 và hoàn thành vào tháng 10 năm 2010, con đường nổi tiếng này cũng đã trải qua 2 lần đại tu vào năm 2015 và 2017.
Theo ghi nhận của PV, những ngày gần đây, con đường này liên tục bị người dân đốt rác khiến một số đoạn đường bị hư hại nặng nề.
Đoạn tường gốm này đã bị đổ vỡ rất nhiều chỗ với khoảng diện tích không hề nhỏ, bức tranh gốm sứ cũng vì đó không còn được trọn vẹn.
Chị Nguyễn Như Quỳnh ở quận Hoàn Kiếm cho biết:”Tình trạng này diễn ra thường xuyên, không chỉ là đốt rác mà con đường này còn bị người dân thản nhiên mang rác ra đổ. Tôi vô cùng thất vọng trước cảnh tượng này. Mong thành phố có biện pháp khắc phục, để con đường được trở lại như cũ”.
Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả con đường gốm bức xúc cho biết:”Con đường gốm sứ này là tâm huyết của tôi và các cộng sự, thời gian gần đây đã bị những người thiếu ý thức phá hoại. Tôi vô cùng thất vọng với những hành động trên.
Đây không phải lần đầu xảy ra sự việc người dân đốt lửa khiến đoạn đường gốm sứ bị hư hại. Trước đó, vào những dịp mùa đông người dân thường ra đây sưởi ấm một cách thiếu văn minh, họ đốt những đống lửa to để sưởi ấm, nên chúng tôi đã rất vất vả khắc phục hậu quả. Năm nay, tình trạng này lại tiếp tục diễn ra”.
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh thông luật): "Sự đa dạng của các bức tranh gốm sứ không chỉ làm đẹp cho con đường dọc đê, mà nó còn làm cho Thủ đô Hà Nội đẹp và ấn tượng hơn rất nhiều. Bằng chứng là trong vài năm qua, không chỉ khách du lịch quốc tế mà còn rất nhiều khách trong nước từ mọi vùng miền về thăm Thủ đô không bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật này. Hầu như ai cũng xuýt xoa vì vẻ đẹp của con đường, ngưỡng mộ sự tài tình của những con người đã làm nên vẻ đẹp cho Thăng Long - Hà Nội.
Vẻ đẹp mê hồn và sự lắng sâu các giá trị văn hóa, nhân văn, lịch sử, mỹ thuật… của con đường gốm sứ độc đáo này đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế và nhận được rất nhiều khen ngợi.
Theo tôi được biết. trước những hành vi xâm hại, gây ô nhiễm ngày càng thường xuyên trên con đường gốm sứ, Thành phố Hà Nội đã ban hành quy định tạm thời quản lý, tôn tạo công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng". Theo đó, thành phố nghiêm cấm các hành vi xâm phạm, lấn chiếm, làm mất vệ sinh trực tiếp đến công trình. Đặc biệt, là các hành vi lấn chiếm vỉa hè của hàng quán, xe ôm, việc xả rác bừa bãi và tình trạng đi vệ sinh nơi công cộng... làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị tại khu vực công trình.
Ngoài ra, hành vi phá hỏng con đường gốm sứ có dấu hiệu của tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm hai hành vi phạm tội độc lập.
Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định.
Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015: Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Phạm Tùng