Có thể tổ chức kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XVI sau bầu cử 22 ngày
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI có thể được triệu tập sau bầu cử 22 ngày.
Thông tin trên được Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tại phiên họp Quốc hội sáng 21-5.
Có thể triệu tập kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sớm hơn
Theo bà Hải, việc rút ngắn thời gian này nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị là sớm kiện toàn nhân sự bộ máy nhà nước, kịp thời triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
“Dự thảo luật lần này được thiết kế để tạo cơ hội tổ chức kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XVI sớm nhất là sau 22 ngày kể từ ngày bầu cử (Ngày 15-3-2026)”, bà Hải nói.
Hiện theo quy định, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội được tổ chức trong vòng 60 ngày sau ngày bầu cử. Việc rút ngắn còn 22 ngày sẽ giúp rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước cũng như triển khai các quyết sách lớn của Đảng tính từ sau khi bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải.
Tuy nhiên, bà Hải lưu ý đây mới là khung thời gian “có thể tổ chức sớm nhất”, còn thời điểm khai mạc kỳ họp thứ nhất vẫn chưa được ấn định cụ thể. Việc tổ chức sớm cũng phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành các khâu trong quy trình bầu cử, đặc biệt là giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử và kết quả bầu cử.
Bà Hải khẳng định việc rút ngắn quy trình không làm giảm chất lượng công tác bầu cử. Một số bước trong quy trình như nộp hồ sơ ứng cử, hiệp thương… sẽ được điều chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chặt chẽ về pháp lý và tổ chức.
“Đây là yêu cầu chính trị đặt ra, nhưng chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ yếu tố kỹ thuật và thực tiễn. Hội đồng Bầu cử Quốc gia có thể điều chỉnh linh hoạt các bước phù hợp với tình hình”, bà Hải nhấn mạnh.
Về khu vực bỏ phiếu, một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong Quốc hội.
Tại phiên thảo luận tổ, có 8 ý kiến đề nghị giao thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu cho UBND cấp tỉnh, trong khi 21 ý kiến đề xuất để UBND cấp xã quyết định. Một số đại biểu còn cho rằng cần trao quyền cho HĐND hoặc có sự phê duyệt từ cấp cao hơn để đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
“Chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng trung gian,” bà Hải nói, “tức là việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định, nhưng trong trường hợp cần thiết thì UBND cấp tỉnh có quyền điều chỉnh.”
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh sẽ làm rõ như thế nào là “trường hợp cần thiết” để tránh áp dụng không thống nhất giữa các đơn vị bầu cử. Đây là một điểm mới trong dự thảo luật, xuất phát từ thực tiễn tổ chức bầu cử tại các địa phương trong các nhiệm kỳ trước.
Xã hay tỉnh chọn khu vực bỏ phiếu?
Trước đó, thảo luận tại hội trường nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc xác định khu vực bỏ phiếu nên để UBND cấp xã quyết định, không cần quy định “trường hợp cần thiết” do UBND cấp tỉnh điều chỉnh .
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng việc giao cho UBND cấp xã quyết định khu vực bỏ phiếu là hợp lý và đủ năng lực. Theo ông, nếu phát sinh tình huống cần điều chỉnh, UBND cấp tỉnh có thể chỉ đạo nhưng không nhất thiết phải trực tiếp ra quyết định.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa).
“Việc chuyển thẩm quyền điều chỉnh lên tỉnh có thể gây phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết, làm chậm tiến độ. UBND xã vẫn có thể tự điều chỉnh theo chỉ đạo của tỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế,” ông Hải nêu.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói việc để cấp xã xác định khu vực bỏ phiếu là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh chính quyền cấp huyện đã bị bãi bỏ tại một số địa phương.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
“Dù sáp nhập xã, nhưng địa bàn dân cư, số lượng hộ vẫn giữ nguyên. Kinh nghiệm tổ chức bầu cử của cán bộ cấp xã là rất thực tiễn và dày dạn, nên không cần quá lo lắng về khả năng xảy ra sai sót,” ông Hòa nhận định.
Tuy vậy, ông Hòa cũng lưu ý rằng UBND cấp tỉnh vẫn cần tăng cường kiểm tra, giám sát vì đây là cấp cao nhất còn lại trong mô hình tổ chức chính quyền hai cấp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên).
Trái lại, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng cần giữ quy định mở để xử lý các tình huống thực tiễn phát sinh, nhất là ở các khu vực miền núi.
“Có những xã có diện tích tới 500 km², người dân ở một bản của xã này có thể gần trung tâm của xã khác hơn. Khi đó, điều chỉnh khu vực bỏ phiếu sang đơn vị hành chính lân cận là hợp lý,” ông Thành dẫn ví dụ từ huyện Tương Dương (Nghệ An) để minh họa.
Theo ông, việc để mở khả năng UBND cấp tỉnh điều chỉnh trong các “trường hợp cần thiết” sẽ đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn đa dạng giữa miền núi và đồng bằng.