Có thể tự chốt sổ BHXH để hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Bà Hương Dung đóng BHXH từ ngày 1/11/2019 - 31/12/2021. Khi hết hạn hợp đồng và công ty cắt giảm nên cho bà nghỉ việc. Khi nghỉ công ty có yêu cầu bà nộp lại sổ BHXH để làm thủ tục chốt sổ và nói là sẽ trả sổ sau 1 tháng.
Tuy nhiên hiện tại khi kiểm tra bà Dung chỉ thấy có thông báo đã đóng bảo hiểm đến tháng 11/2020, như vậy tháng 12/2020 bà có được đóng bảo hiểm không? Thời gian trả sổ BHXH lại cho người lao động của công ty lên tới 2-3 tháng, như vậy nếu bà muốn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ bị quá thời hạn cho phép.
Bà Dung hỏi, bà có thể tự chốt BHXH được không? Và nếu như tự chốt thì bà cần chuẩn bị những giấy tờ gì vì công ty đang giữ sổ BHXH của bà?
BHXH Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Khoản 4, Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 quy định:
“Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 về Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động của Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:
“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
Tại khoản 5, Điều 21, Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: “Trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ theo khoản 4, Điều 29 Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH thời gian xác nhận sổ BHXH: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp của bà nếu tháng 12/2020 bà có làm việc hưởng lương, (không nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên) thì cả bà và công ty của bà phải đóng đầy đủ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hết tháng 12/2020.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết bà cần làm việc với chủ sử dụng lao động để làm rõ việc đóng BHXH, cấp và xác nhận sổ BHXH đối với bà. Trong trường hợp công ty cố tình vi phạm không đóng đầy đủ BHXH và không đóng đầy đủ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và không chốt sổ BHXH cho bà, bà có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH cho bà.
Nếu chưa được công ty giải quyết thỏa đáng thì bà có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính về hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Trong trường hợp quá 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc, bà không nộp hồ sơ cho Trung tâm dịch vụ việc làm thì bà không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.