Có thể tư vấn nghề nghiệp cho học sinh từ cấp tiểu học?
Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Một điểm đáng chú ý là dự thảo Thông tư đề xuất, hoạt động giáo dục hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục tiểu học có thể thực hiện tư vấn nghề nghiệp, việc làm và khởi nghiệp.
Học sinh “đói” thông tin về nghề nghiệp
Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hướng nghiệp là hoạt động quan trọng không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục, giúp học sinh, sinh viên (HS, SV) nâng cao hiểu biết về nghề, về chính bản thân mình, từ đó định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn nghề phù hợp.
Trên thực tế, công tác hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa gắn với thực tiễn của từng địa phương và phân luồng học sinh. Đa số HS, SV đều “đói” thông tin về nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay thì chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến trong rất nhiều nghề hiện nay. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn phân ban và định hướng sau này của HS, SV.
Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, có đến hơn 2/3 học sinh đăng ký học ban Khoa học tự nhiên để thi khối A, trong khi rất nhiều em có năng lực và tương lai thực sự nếu lựa chọn các khối thi khác.
Cùng với đó là hiện tượng một số lớn học sinh khi đăng ký dự thi đại học, cao đẳng lựa chọn vào những trường và những ngành có cái danh “kêu”, thuộc hàng “top” mà không quan tâm đến mình có đủ năng lực không, mình có yêu thích không và học ngành đó sau này sẽ làm gì, cớ hội việc làm ra sao…
Điều này được phản ánh qua con số trên 30% thí sinh đăng ký thi đại học, cao đẳng chọn các ngành thuộc khối kinh tế, tài chính, ngân hàng và kinh doanh mà không quan tâm đến khả năng “lọt cửa” của mình.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó tác động từ gia đình và xu hướng phong trào là khá phổ biến. Nhưng chắc chắn có một lý do quan trọng là bởi công tác hướng nghiệp trước đây còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ quả là quá nhiều lao động trẻ sau khi được đào tạo trong các cơ sở giáo dục sau trung học không tìm được việc làm phù hợp với năng lực của mình, trong khi các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động lại không tìm ra được lao động chuyên môn cần thiết.
Vì vậy, việc triển khai tốt công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục bước đầu sẽ tạo được động lực cho HS, SV trong học tập, rèn luyện, hình thành ý thức về nghề nghiệp, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp. Về lâu dài, đây chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Cần làm sớm công tác tư vấn hướng nghiệp từ bậc tiểu học
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành nghề cũng như khái niệm về việc làm có rất nhiều thay đổi và có sự dịch chuyển nhanh chóng, bên cạnh những công việc có tính ổn định thì cũng xuất hiện rất nhiều những ngành nghề mũi nhọn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Công việc mang tính đổi mới sáng tạo xuất hiện ngày càng nhiều, do đó năng lực thích ứng cần được cung cấp sớm cho HS, SV.
Ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên nhận định, phát hiện và định hướng nghề nghiệp sẽ giúp các em HS, SV hiểu được tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp; am hiểu về ngành, nghề, việc làm trong xã hội; tự nhận thức, khám phá về khả năng, sở trường, thế mạnh, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân; có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp để phát huy được năng lực định hướng nghề nghiệp, việc làm phù hợp...
Ông Linh cũng cho rằng, hướng nghiệp là một quá trình gắn liền với nhau, không thể tách rời. Bởi thế, các hoạt động giáo dục hướng nghiệp cần được thực hiện ngay từ cấp tiểu học. Đây chính là một trong những điểm mới được đề cập trong Dự thảo Thông tư.
Theo đó, Dự thảo Thông tư nêu rõ một số nhiệm vụ về công tác tư vấn hướng nghiệp đối với cấp bậc tiểu học, trong đó có những nhiệm vụ mà các nhà trường đã và đang làm nhưng chưa được chuẩn hóa như: giáo dục học sinh nhận biết công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản; giáo dục cho học sinh hình thành các kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, quản lý tài chính, khám phá bản thân, gia đình, cộng đồng… được tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa. Đồng thời tổ chức khảo sát, phát hiện và phát triển năng khiếu của học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện, trải nghiệm thực tế…