Cơ thể và bộ não giúp Messi trở thành cầu thủ giỏi nhất thế giới

Ở tuổi 35 với sức mạnh thể chất không bằng nhiều cầu thủ khác, Messi vẫn khiến hậu vệ đối phương đau đầu bởi cách di chuyển và phân tích trận đấu.

 Nhiều người trong giới chuyên môn đánh giá Messi là cầu thủ giỏi nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Nhiều người trong giới chuyên môn đánh giá Messi là cầu thủ giỏi nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Bình luận viên Sam Matterface của đài ITV (Vương quốc Anh) gọi cơ thể và bộ não của Lionel Messi là “sự rắc rối của phép thuật”. Người hâm mộ bóng đá vừa chứng kiến cầu thủ 35 tuổi hạ gục một trong những hậu vệ xuất sắc tại World Cup, Josko Gvardiol, kiến tạo bàn thắng ấn định chiến thắng 3-0 của Argentina trước Croatia tại trận bán kết hôm 14/12.

Bất lợi về thể chất lại trở thành lợi thế

Trung vệ người Croatia kém Messi 15 tuổi. Với chiều cao 185 cm, Gvardiol cao hơn Messi đến 16 cm. Cân nặng của Gvardiol trên mức 80 kg, hơn Messi 7 kg.

Vậy làm thế nào mà người đàn ông lớn tuổi, nhỏ con hơn lại vượt lên trong cuộc tranh chấp một đối một bắt đầu ngay bên phần sân của Croatia, tiếp tục đến tận đường biên trước khi tung ra pha cắt bóng hoàn hảo cho Julian Alvarez ghi bàn thắng thứ hai trong đêm?

“Đó không phải là tốc độ. Đó là sự chậm lại và tăng tốc. Gvardiol nghĩ đã kèm chặt được Messi nhưng tiền đạo Argentina lại vượt lên. Gvardiol lại khóa được Messi xong Messi lại vượt. Cứ như vậy, Messi chơi với tốc độ giật gân rồi trao cho Alvarez cơ hội ghi bàn mười mươi”, Lee Dixon, cựu hậu vệ cánh của đội tuyển Anh, nói.

“Thật là thiên tài. Đơn giản vậy thôi. Đó là cú hích vai cuối cùng để chuyển hướng - điều khiến Gvardiol hoàn toàn mất thăng bằng và khó bắt kịp”, Ally McCoist, tiền đạo của Scotland, kết luận.

 Gvardiol rất khó cản phá Messi dù cầu thủ phía Argentina bất lợi hơn về mặt thể chất. Ảnh: Reuters.

Gvardiol rất khó cản phá Messi dù cầu thủ phía Argentina bất lợi hơn về mặt thể chất. Ảnh: Reuters.

Với những bất lợi về thể chất mà anh gặp phải trong các cuộc tranh chấp như tình huống với Gvardiol, Messi nhắc nhở thế giới rằng ngay cả bây giờ, trong những năm cuối cùng của sự nghiệp, anh vẫn có tốc độ bùng nổ, những cú lắc hông có thể vặn và xoay ở độ cao, tốc độ, sự uyển chuyển, đôi chân cỡ 8 có thể khiến anh khó nắm bắt như Floyd Mayweather - tay đấm tài năng nhất mọi thời đại.

“Messi được tạo ra để chuyển hướng”, Jonas Dodoo, huấn luyện viên trưởng của Speedworks Training, nói.

Dodoo từng là huấn luyện viên điền kinh chạy nước rút, hiện làm cố vấn cho Hiệp hội Bóng đá, Liên đoàn Bóng bầu dục Anh và các câu lạc bộ chuyên nghiệp trên khắp Giải bóng đá ngoại hạng Anh, Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia Đức, NFL và Giải Bóng chày nhà nghề.

“Về mặt cơ thể học, Messi được cấu tạo để làm điều đó. Anh có thân hình dài, đôi chân ngắn, thích hợp cho lối chơi nhanh nhẹn”, Dodoo nói về khả năng đánh bật các hậu vệ của Messi.

Danny Higginbotham, cựu hậu vệ của Stoke City, cho biết hậu vệ cao lớn hơn như Gvardiol khó đối phó với sự nhanh nhẹn đó.

Higginbotham giải thích: “Một hậu vệ thường áp sát và khiến đối thủ di chuyển theo hướng họ mong muốn. Nhưng Messi thay đổi tốc độ và hướng đi ở mức khó tin. Anh có thể cản bóng nhanh đến mức sau đó anh chặn hậu vệ đối phương không khác gì một hậu vệ, khi đối phương dừng lại, Messi vượt lên”.

Người cao như Gvardiol rất khó tận dụng lợi thế thể lực trong tranh chấp bóng với Messi vì Gvardiol phải chơi chậm lại khi Messi giảm tốc độ. Nhưng ở thời điểm tưởng đã khóa được Messi, anh lại thay đổi và chỉ cần tích tắc đó để vượt xa. Cách đổi hướng đó làm khó Gvardiol. Cơ thể nhỏ con có nghĩa trọng tâm của Messi tốt hơn, dễ dàng xoay người nhiều lần hơn.

Danny Higginbotham từng có kinh nghiệm trực tiếp đối đầu với một cầu thủ có cách di chuyển khó chịu như vậy. Mùa hè năm 2007, Stoke gặp Real Madrid trong trận giao hữu trước mùa giải, Higginbotham đọ sức với tiền đạo người Tây Ban Nha Raul.

Higginbotham đánh giá Raul không phải người nhanh nhất, cũng không có thể lực tốt nhất nhưng tuyệt đối là cầu thủ sẽ ghi bàn hoặc kiến tạo thành công. Cựu cầu thủ từng tự đặt câu hỏi điều gì đã giúp Raul làm được điều đó.

“Tôi đã dành 70 phút để theo kèm Raul và điều đó thật nực cười. Bạn sẽ rời mắt khỏi anh ấy trong tích tắc để xem vở kịch, quay lại và anh ấy không còn ở đó nữa. Tôi không biết anh ấy ở đâu. Tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu trên sân như khi kèm anh ấy”, Higginbotham giải thích.

 Trọng tâm cơ thể thấp giúp Messi vặn và xoay người dễ dàng hơn. Ảnh: Reuters.

Trọng tâm cơ thể thấp giúp Messi vặn và xoay người dễ dàng hơn. Ảnh: Reuters.

Dodoo đồng ý rằng trọng tâm thấp của Messi là một điểm cộng. Nó không chỉ giúp anh vặn và xoay người dễ dàng hơn mà còn khiến anh “khó đẩy ngã”. Dodoo cho biết về mặt thể chất, đội trưởng Argentina cũng có “hệ thống phanh tuyệt vời”. Nhờ đó, Messi có thể dừng lại nhanh nhất có thể.

“Nhiều lần chạy ngoằn ngoèo của Messi là sự kết hợp của các lần chạy, dừng lại, chạy tiếp. Điều này đòi hỏi sức mạnh phanh tuyệt vời cũng như khả năng chạy nước rút”, Dodoo giải thích.

Bộ não phân tích trận đấu và phán đoán nhanh

Tuy nhiên, Dodoo khẳng định điều kiện phần cứng của Messi chỉ là một phần trong phương trình giúp anh trở thành cầu thủ giỏi nhất thế giới. Khi xem xét sức mạnh, tốc độ, những pha tranh chấp căng thẳng, giới chuyên môn luôn nói về cả phần mềm và phần cứng. Phần cứng liên quan rất nhiều đến cơ bắp, khớp và các đặc điểm thể chất. Phần mềm là nhận thức, hành động và cách ra quyết định của bộ não.

Dodoo thừa nhận phần mềm là thứ thường giúp Messi vượt lên dẫn trước những người lẽ ra phải giỏi hơn anh về mặt thể chất.

Dodoo nói: “Anh ấy rất giỏi trong việc kết hợp khả năng quan sát nhanh của mình để dự đoán, phản ứng với các chuyển động vi mô của đối thủ. Anh thường lướt qua hàng phòng thủ với tốc độ dưới mức tối đa, nhử họ tiến vào rồi tăng tốc bỏ đi khi họ đã đối phương sập bẫy”.

Hệ thống thần kinh là phần thứ ba của phương trình này và về mặt cơ bản, Dodoo giải thích đó là thứ kết nối phần mềm của người chơi với phần cứng của họ.

Đối với cựu huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha, Robert Moreno, người đã làm việc với Messi trong 3 năm với tư cách là trợ lý cho huấn luyện viên trưởng của Barcelona, Luis Enrique, chính điều này đã đưa Messi lên đẳng cấp khác so với đối thủ của mình, bất kể họ có thể có nhiều lợi thế về thể chất hơn.

“Anh ấy giống như The Matrix. Bạn có nhớ cảnh nhân vật đang di chuyển cơ thể và tất cả viên đạn bay chậm không? Đối với tôi, Messi chơi kiểu vậy. Tất cả mọi thứ đang diễn ra trong tâm trí anh ấy chậm hơn so với những gì đang xảy ra với phần còn lại của thế giới”, Moreno nói với The Athletic.

Đó là lý do Messi vượt Gvardiol, khiến hậu vệ tuyển Croatia cảm thấy mình như đứa trẻ đang chơi bóng với người lớn. Messi từng làm điều tương tự trong quá khứ với Jerome Boateng ở Champions League (khi Barcelona đánh bại Bayern Munich 3-0 ở trận lượt đi bán kết mùa giải 2014-2015.

“Đó là bởi vì anh ấy suy nghĩ nhanh hơn những người còn lại. Và anh ấy có thể làm những gì anh ấy nghĩ. Tôi không phải là tuyển thủ chuyên nghiệp nhưng đôi khi, khi thi đấu, bạn nghĩ mình sẽ làm được điều gì đó nhưng lại không thể làm được. Messi lại khác. Anh ấy có khả năng, anh ấy có sự phối hợp, sự linh hoạt để di chuyển cơ thể của anh ấy đến bất cứ đâu anh ấy muốn. Và điều đó có nghĩa là anh có thể làm những gì chúng ta đã chứng kiến trong tình huống với Gvardiol”, Moreno phân tích.

Vì vậy, khi Messi ở trong tình huống một đối một với một hậu vệ, dù hậu vệ đó có thể biết cầu thủ người Argentina sẽ làm gì, họ không thể ngăn cản được.

Moreno nói điều này được minh họa bằng mối liên hệ nổi tiếng giữa hậu vệ trái người Tây Ban Nha Jordi Alba và Messi khi họ còn là đồng đội ở Barcelona. Khi Messi nhận bóng ở 1/3 cuối sân bên cánh phải, anh đi bóng, Alba chạy vào khoảng trống và Messi đặt bóng vào đó. Sau đó, Alba thực hiện quả tạt. Tất cả đều biết họ sẽ làm điều đó nhưng không ai có thể ngăn chặn. Bóng đá là môn các cầu thủ biết họ cần làm gì song điều quan trọng là họ phải thực hiện nhanh nhất có thể.

Với những cầu thủ khác, điều đó cũng tương tự. Hậu vệ biết Kylian Mbappe (Pháp) chơi bóng như vậy nhưng anh làm quá nhanh đến mức hậu vệ khó ngăn chặn.

“Điều đó cũng tương tự với Messi nhưng ở mức khó hơn. Hậu vệ có thể đoán Mbappe sẽ chạy bên phải hoặc bên trái để lường trước và cố gắng ngăn cản. Nhưng họ khó đoán Messi sẽ làm gì. Anh ấy có thể đi bên trái, bên phải, ở phía sau, chuyền bóng… Messi có rất nhiều phương án để lựa chọn và thực hiện nó nhanh đến mức không thể cản phá”, Moreno lý giải.

Chưa hết, Messi kết hợp tốc độ tăng tốc đó với việc di chuyển chậm hơn nhiều người chơi khác.

 Messi đi bộ, quan sát, phân tích trận đấu. Ảnh: Reuters.

Messi đi bộ, quan sát, phân tích trận đấu. Ảnh: Reuters.

Trước đó trong giải đấu, The Athletic đưa tin rằng Messi đi bộ nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác trong lượt trận đầu tiên của vòng bảng. Tại trận bán kết với Croatia, trong số 10 cầu thủ trong đội hình xuất phát của Argentina, chỉ Leandro Paredes chạy sân ít hơn Messi (Paredes rời sân khi trận đấu còn hơn 30 phút).

Trong trận đấu với Croatia, hơn một nửa tổng số mét mà Messi chạy rơi vào sự gắng sức “vùng 1” - FIFA phân loại dựa trên tốc độ giữa đứng yên và di chuyển là 7 km/giờ.

Moreno nói: “Messi làm vậy vì biết mình đã 35 tuổi và không thể lặp lại những pha hành động cần nỗ lực cao như trong quá khứ. Vì vậy, Messi đi bộ, chờ đợi thời điểm nhận bóng đúng chỗ và chuyền hoặc thực hiện hành động mang lại cơ hội ghi bàn”.

Moreno nói thêm dù có vẻ Messi đang đi bộ, anh luôn quay đầu lại và phân tích những gì đang diễn ra. Trong trận đấu, tiền đạo Argentina phân tích tất cả đối thủ trước mặt, cố gắng tìm ra điểm yếu. Ông cho rằng những cầu thủ khác không thể làm được điều đó.

Và đó là quá trình mà Higginbotham gọi là “thiên tài” thực sự của Messi.

“Tất cả chúng ta đều biết anh ấy cầm bóng giỏi như thế nào nhưng điều quan trọng không kém là những gì anh ấy làm trước khi nhận bóng. Hãy nhìn vào những thời điểm Messi nhận bóng và những khu vực mà anh ấy nhận bóng. Anh chọn vị trí sao cho ngay từ lần chạm đầu tiên, anh có thể xoay người và ngay lập tức lao thẳng vào đối phương”, Higginbotham nói.

Mọi người thường nghĩ khi Argentina không có bóng, Messi chỉ đi loanh quanh. Đúng vậy, nhưng Messi nhìn vào trận đấu và tìm ra vị trí tốt nhất cho mình khi Argentina giành lại bóng để anh có thể đưa bóng vào khoảng trống, nơi hậu vệ không muốn phạm lỗi song mình lại đủ không gian để quay đầu, chạy vào phần sân đối thủ.

“Rất nhiều quyết định mà Messi đưa ra khi không có bóng giúp anh thi đấu tốt hơn khi có bóng. Trí thông minh bóng đá của Messi là chìa khóa”, Moreno giải thích.

Moreno nhận định nó khác với trí thông minh mà người 'bình thường' có. Đó là kiến thức mà bạn không thể giải thích. Các cầu thủ có thể làm mọi việc nhưng họ không thể giải thích. Messi là biểu hiện tối đa của tình huống đó. Anh tìm ra những giải pháp mà người phàm không thể tìm ra những giải pháp kiểu này.

“Chúng ta có thể nói về thể hình, kỹ thuật… mọi thứ. Messi là cầu thủ đáng kinh ngạc, nhưng sự khác biệt đối với tôi là cách anh ấy có thể phân tích bóng đá khi ở trong trận đấu. Là một huấn luyện viên, thật dễ dàng để phân tích từ bên ngoài khi ngồi trong phòng với máy tính. Nhưng anh ấy làm điều đó trong trận đấu. Đây là một trong những khác biệt lớn để tôi coi anh ấy là cầu thủ hay nhất trong lịch sử”, Moreno nói.

Có lẽ chính trí thông minh bóng đá rõ ràng này, kết hợp với tầm vóc của anh ấy, có thể khiến mọi người bỏ qua các thuộc tính thể chất của Messi.

Năm ngoái, trong Giải vô địch châu Âu, Yaya Toure, cựu tiền vệ của Manchester City, có bài viết phân tích ưu điểm của các cầu thủ sử dụng mông và hông để bảo vệ bóng khỏi đối thủ, khiến đối phương khó lấy bóng, cho họ nhiều không gian hơn để luồn lách, thoát khỏi tình huống bị kèm chặt.

“Tôi đã chơi với Lionel Messi. Gần như luôn có ai đó theo sát Messi khi anh ấy cố rê bóng nhưng Messi luôn xoay xở để thoát khỏi tình huống tắc bóng”, Toure viết.

Messi rõ ràng đã học được cách tận dụng tối đa những gì anh có về mặt thể chất. Nhưng trong khi Moreno chấp nhận rằng không mạnh mẽ thì không thể trở thành “cầu thủ hay nhất trong lịch sử”, cựu huấn luyện viên đội tuyển Tây Ban Nha thừa nhận với Messi, thể chất không phải thứ quan trọng nhất. Nhiều người có hình thể giống Messi, thậm chí tốt hơn. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở cách nhìn bóng đá trong trận đấu.

Đó chính là “sự phù phép” cho phép Messi, ở tuổi 35, khiến các hậu vệ tài năng mới 20 tuổi phải tự hỏi chuyện quái gì vừa xảy ra trên các sân khấu lớn nhất.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-the-va-bo-nao-giup-messi-tro-thanh-cau-thu-gioi-nhat-the-gioi-post1385725.html