Có thể xử lý kỷ luật vắng mặt NLĐ?
Lê Nhật Huy (huyện Bình Chánh, TP HCM) hỏi: Khoản 12, điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động phải thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự, bảo đảm các thành phần nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Vậy trường hợp công ty đã gửi thông báo qua đường bưu điện đến địa chỉ thường trú mà người lao động (NLĐ) cung cấp nhưng không có người nhận thì có được tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động không?.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời: Điểm c điều 123 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) quy định khi xử lý kỷ luật lao động NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật. Mặt khác, theo quy định tại điểm 1, 2 khoản 2 điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì người sử dụng lao động phải thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến thành phần tham dự theo quy định (bao gồm NLĐ) và bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có sự tham gia của các thành phần thông báo. Đồng thời, trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự phải xác nhận tham dự cuộc họp. Khi một trong các thành phần không tham dự họp phải thông báo cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do. Trường hợp một trong các thành phần không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc nêu lý do không chính đáng hay đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động. Như vậy, để tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật đúng quy định, công ty có trách nhiệm tìm biện pháp liên hệ để NLĐ và các thành phần liên quan nhận được thông báo theo quy định.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/co-the-xu-ly-ky-luat-vang-mat-nld-20190818213143253.htm