Có thêm hơn 3.800MW của 67 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp áp giá tạm
Sau 4 tháng đàm phán, có thêm 67 dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp, với tổng công suất 3.849,41MW đề nghị giá tạm bằng 50% khung giá.
Hiện cả nước có 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Trong đó có 77 nhà máy, phần nhà máy điện gió với tổng công suất 4.185,4 MW và 8 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 506,66 MW.
Các dự án này được xây dựng nhằm hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT) theo các Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời và Quyết định 39 khuyến khích với điện gió do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên vì nhiều lý do chủ quan, khách quan nên các dự án điện gió, điện mặt trời không hoàn thành đấu nối kịp trước thời hạn 31/12/2020 và 31/10/2021.
Để gỡ khó cho chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời huy động nguồn điện này, tránh lãng phí, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương ban hành Thông tư 15, Quyết định 21 quy định phương pháp xác định khung giá áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Song, Bộ Công thương cho rằng, việc đàm phán giá sẽ mất rất nhiều thời gian do "có chủ đầu tư vi phạm, chưa đủ hồ sơ".
Bởi vậy, EVN đã đề xuất giá tạm tính của các dự án trên bằng 50% so với khung giá, tương đương khoảng 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) áp dụng trước thời điểm đàm phán xong giá chính thức, để các dự án nhanh chóng được nối lưới.
Đến nay, EVN cho biết, số lượng dự án đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện là 79/85 dự án với tổng công suất 4.449,86MW.
Trong đó, 67 dự án, với tổng công suất 3.849,41MW đề nghị giá tạm bằng 50% khung giá.
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61/67 dự án; Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình, hoặc một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy, hoặc một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Tính đến ngày 25/8, đã có 20 nhà máy, hoặc một phần nhà máy chuyển tiếp (tổng công suất 1.171,72MW) đã hoàn thành thủ tục COD để phát lên lưới, với sản lượng điện phát lũy kế là 357 triệu kWh...
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.