Có thiện chí, giữ lòng tin
Cải thiện tiền lương và bảo đảm chế độ phúc lợi cho người lao động là cách làm căn cơ để giữ chân người lao động
"Mọi năm, công ty chúng tôi thường chi trả tiền thưởng Tết làm 2 đợt. Đợt 1 trước khi nghỉ Tết nguyên đán và đợt 2 là tháng 3 hằng năm. Năm nay, do cuộc sống khó khăn quá, chúng tôi đề nghị được nhận một lần nhưng ban giám đốc không đồng ý. Điều này khiến anh chị em công nhân (CN) bất bình". Đây là phản ánh của tập thể lao động tại một công ty may mặc đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Lợi bất cập hại
Theo nhiều CN, sở dĩ doanh nghiệp (DN) trả tiền thưởng thành 2 đợt là để giữ chân người lao động (NLĐ) sau Tết. Anh N.H.L, một CN, cho rằng cách làm dễ gây ức chế cho NLĐ, dẫn đến những phản ứng tiêu cực bởi thực tế sau Tết, tình hình biến động lao động của DN vẫn không được cải thiện.
Đem bức xúc của NLĐ hỏi các chuyên gia, chúng tôi nhận được câu trả lời là người sử dụng lao động (NSDLĐ) có cơ sở để làm như vậy. Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: "Bộ Luật Lao động hiện hành quy định tiền thưởng là khoản tiền mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Do vậy, nguyện vọng của CN chỉ được đáp ứng khi công ty chấp thuận thay đổi quy chế thưởng của mình".
Cũng vì quy chế thưởng do DN quyết định, nên không ít NLĐ lâm vào tình cảnh oái oăm. Anh Võ Văn Đức, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH H.M (quận 5, TP HCM), kể: Đầu năm 2018, anh ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 18 tháng với công ty. Dịp Tết 2019, anh làm đủ 12 tháng nên được thưởng 1 tháng lương thứ 13 theo đúng thỏa thuận trong HĐLĐ. Giữa năm 2019, HĐLĐ hết hạn, anh không muốn ký tiếp và xin thôi việc. Khi đó, công ty yêu cầu anh hoàn trả tiền thưởng Tết, bởi quy chế thưởng quy định nếu nghỉ việc trước tháng 9 hằng năm, NLĐ phải trả lại tiền thưởng cho công ty.
Tương tự, sau hơn 10 năm làm việc tại một ngân hàng ở TP HCM, ngày 1-12-2018, chị Nguyễn Thu Hương viết đơn xin thôi việc và ngày nghỉ việc chính thức là 15-1-2019. Theo quy định của đơn vị, NLĐ làm đủ 12 tháng trong năm sẽ được thưởng lương tháng 13. Thế nhưng khi thanh lý HĐLĐ, ngân hàng không trả tiền thưởng cho chị với lý do đơn thôi việc của chị nộp vào đầu tháng 12, nghĩa là chị chưa đủ năm (!?). Bức xúc, chị Hương khiếu nại nhiều lần nhưng ngân hàng không có thiện chí giải quyết gây tranh chấp kéo dài.
Thưởng Tết cũng phải có "nghệ thuật"
Dù không phải là khoản bắt buộc DN phải chi trả cho NLĐ nhưng từ lâu thưởng Tết ở Việt Nam đã trở thành "nét văn hóa" riêng. Hằng năm, NLĐ đều mong chờ tiền thưởng này để có một cái Tết ấm cúng, còn DN xem đó như khoản khích lệ, tri ân, đồng thời cũng là cách để giữ chân NLĐ. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, "của cho không bằng cách cho", thưởng Tết cũng phải có "nghệ thuật" nếu không sẽ phản tác dụng. Thưởng Tết không phải là tất cả mà cách làm căn cơ nhất chính là phải xây dựng môi trường làm việc tốt và bảo đảm chế độ phúc lợi cho NLĐ.
Thực tế diễn ra ở một số DN đã chứng minh điều đó. Chẳng hạn như tại Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM). Năm 2019, tình hình sản xuất tại công ty này gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng bất thường cộng với sự cạnh tranh gay gắt từ các DN cùng ngành nghề đã dẫn đến sản lượng sản xuất và sản phẩm tiêu thụ giảm. Trong 2 tháng 9 và 10-2019, công ty phải dừng máy nhiều ngày khiến thu nhập của NLĐ bị giảm sút. Để ổn định cuộc sống cho CN, CĐ cơ cở đã đề nghị ban giám đốc trích nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ lương cho NLĐ, bảo đảm mỗi CN có thu nhập ở mức trên 9 triệu đồng/tháng. Dù tình hình sản xuất không khả quan nhưng Tết nguyên đán Canh Tý 2020, sau khi trao đổi với CĐ cơ sở, ban giám đốc quyết định thưởng Tết cho 166 lao động là 1,5 tháng lương thực lãnh và khoản này được chi trả trước Tết. Bình quân, mỗi NLĐ được thưởng 25 triệu đồng, người thấp nhất 13 triệu đồng. Công ty còn điều chỉnh lương tối thiểu cho mỗi CN mức 400.000 đồng/người. "Lực lượng lao động tại công ty ít biến động là do luôn được DN bảo đảm các chế độ phúc lợi, lương thưởng đầy đủ. Đó không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn là biện pháp căn cơ để giữ chân NLĐ lâu dài" - ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết.
Nhiều năm qua, Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú) cũng ổn định được nguồn nhân lực do chính sách lương, thưởng thỏa đáng. Ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết hằng năm, sau khi Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng, ban giám đốc và CĐ cơ sở đều chủ động thảo luận để xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, nhờ vậy mà NLĐ rất an tâm về tiền lương. Bên cạnh đó, dịp Tết hằng năm, ngoài thưởng theo xếp loại A, B, C, công ty còn thưởng Tết cho NLĐ 1 tháng lương và trả đủ 100% trước khi nghỉ Tết.
“Lý do tôi bám trụ lâu dài ở công ty là vì công việc ổn định, môi trường làm việc thoải mái, thân thiện. Bên cạnh đó là chế độ lương, thưởng và phúc lợi thỏa đáng, động viên NLĐ làm việc” - chị Nguyễn Tuyết Ngọc, CN Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương, bày tỏ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/co-thien-chi-giu-long-tin-20200116203648215.htm