Cổ tích giữa đời thường: Những em bé thay đổi cuộc đời nhờ 'phép màu lòng tốt' của cộng đồng
Nhiều cuộc đời khó khăn đã hoàn toàn thay đổi nhờ lòng tốt của cộng đồng, của những nhà hảo tâm. Giữa đời thường, những câu truyện cổ tích vẫn được viết nên. Tình yêu thương và lòng nhân ái chắc chắn là phép thuật nhiệm màu nhất để tạo sự thay đổi.
Ở thời hiện đại, những câu truyện cổ tích dường như ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi các "ông tiên, bà tiên" đơn giản chính là những con người nhỏ bé nhưng mang tấm lòng thiện nguyện, nhân từ. Dù sự giúp đỡ chỉ mang tính chất cá nhân, thế nhưng khi tất cả cùng hướng về một phía, đó chính là sức mạnh tương thân tương ái không gì có thể vượt qua.
Đã có những em bé với số phận, hoàn cảnh đáng thương đã nhận được thật nhiều sự giúp đỡ. Chẳng ai ngờ chỉ nhờ những chiếc điện thoại truy cập được mạng, vài hình ảnh và câu chuyện về các em mà hàng triệu người không quen thân đã cùng quan tâm, san sẻ, giúp các em thay đổi hoàn toàn cuộc đời.
Hành trình tìm lại cuộc đời cho bé Pàng - em bé Mường Lát của hai vợ chồng Sài Gòn
Cuối năm 2018, câu chuyện về cô bé tật nguyền Vàng Thị Pàng - em bé trần trụi không tấm vải giữ ấm ngồi bệt dưới đất, giữa trời lạnh buốt giá ở Mường Lát (Thanh Hóa) được một tài xế phát hiện và quay lại clip chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người xót xa.
Em bé 6 tuổi không chỉ khuyết tật, chẳng thể chạy nhảy vui đùa như bạn bè mà hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn: cha mất sớm, mẹ thì bệnh về tâm thần.
Nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Phương - anh Huỳnh Quốc Tín biết tin về Pàng, liền bỏ ý định mua ô tô, lặn lội lên Mường Lát đón bé về nhận nuôi.
Chị Phương lúc ấy đang mang thai em bé thứ ba, nhưng gia đình đã chạy chữa khắp nơi cho Pàng, bởi cơ thể Pàng lúc ấy chứa rất nhiều cơn đau. Gia đình còn giúp em hòa nhập với cuộc sống mới, luyện tập để đi được trên chính đôi chân của mình.
Và sự nỗ lực của gia đình anh Tín chị Phương đã được đền đáp. Chỉ sau vài tháng về với ba mẹ nuôi, người ta thấy 1 bé gái nhận thức kém đã cười tươi rói trong bộ đồng phục của 1 trường học mẫu giáo và đến lớp tươi cười, vui chơi cùng anh chị và các bạn và đặc biệt em đã bắt đầu tập những bước đi đầu tiên, dẫu còn khó khăn.
Pàng được gia đình cho tới trường để học chữ, đồng thời tiếp tục trị liệu đôi chân cho em trong thời gian đi học. Sau một thời gian sống cùng gia đình nhỏ đầy ắp yêu thương, Pàng đã biết nhiều tiếng Kinh hơn, trở thành một cô bé xinh xắn, đáng yêu và lanh lợi, khác hẳn hình ảnh cô bé lấm lem mọi người thấy lần đầu.
Cuộc sống của Pàng giữa tình thương yêu của cả gia đình.
Cô bé nay lúc nào cũng quấn quít ba mẹ, luôn vui vẻ, nở nụ cười rạng rỡ. Những người quan tâm tới em đều cầu mong em luôn được hạnh phúc và sống trong tình yêu thương của mọi người.
Cậu bé hôn mẹ trên chiếc xe đạp cũ đầy ve chai trong đêm Trung thu
Trung thu năm 2018, có một đứa trẻ không đi rước đèn ông sao, không đi phá cỗ như hầu hết những đứa trẻ khác. Em phải cùng mẹ mưu sinh trên phố, chẳng biết tới những niềm vui trẻ thơ trong ngày trung thu.
Trong ngày trung thu ấy, nhiều người chú ý tới một bức ảnh một cậu bé âu yếm hôn lên má người mẹ mình khi ngồi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chất đầy ve chai và bìa carton. Người mẹ làn da đen sạm, quần áo rộng thùng thình, tóc cắt ngắn, gò má sâu với những nét khắc khổ trên gương mặt khiến nhiều người lầm tưởng chị là cha đứa bé.
Chị tên Hương (50 tuổi), còn đứa trẻ là Thịnh (4 tuổi), là con trai đầu của chị. Mỗi ngày, hai mẹ con chị Hương đi nhặt ve chai khắp thành phố. Đêm đêm, mới chọn góc đường để ngủ tạm. Dẫu trời mưa, dẫu trời nắng, hai mẹ con vẫn lóc cóc trên chiếc xe đạp, đêm lại về một góc tường ngủ trên chiếu cạnh cái xe ấy.
Bởi cuộc sống phải ở ngoài đường nhiều, lo cho sự an toàn của con, chị Hương đành cắt đầu tóc húi cao, mặc quần áo rộng thùng thình, đội nón lưỡi trai,… để ai cũng nhầm chị là cha Thịnh.
Hai mẹ con cùng chiếc xe đạp mưu sinh trên phố.
Sau khi bức ảnh xúc động về nụ hôn thật thà của Thịnh với mẹ được đăng lên mạng, đã có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ hai mẹ con chị Hương. Hai mẹ con giờ đã có chỗ trú ẩn, Thịnh được tới trường đi học. Nhờ sự trợ giúp một số tiền nho nhỏ, chị Hương quyết định sẽ cùng chồng con trở về quê, dựng quán nước kiếm bữa cơm qua ngày.
Dù cuộc sống sẽ còn khó khăn, nhưng giờ đây Thịnh đã có một mái nhà. Ai cũng tin và cầu chúc rằng hai mẹ con chị Hương từ nay sẽ còn nhận được thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Cô bé "chim cánh cụt" được lắp đôi chân giả đến trường
Ở ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng không ai không biết về cô bé "chim cánh cụt" Trần Thị Hiếu Thảo.
Hiếu Thảo không may mắn như những đứa trẻ khác vì khi vừa chào đời, cơ thể em đã bị khiếm khuyết, không có tay chân. Mọi người gọi em là cô bé "chim cánh cụt" khi suốt ngày chỉ biết lăn qua lăn lại một chỗ. Năm Hiếu Thảo vừa tròn 1 tuổi, bố em bị tai nạn giao thông rồi qua đời, một năm sau mẹ Hiếu Thảo cũng đi lấy chồng mới rồi sinh con, em được ông bà ngoại nhận về nuôi dưỡng từ đó đến nay.
Mặc dù khuyết tật, nhưng Thảo rất ngoan, hay phụ giúp ông bà trong nhà mọi việc từ việc ăn uống tới quét nhà. Bà Lý Thị Cho (bà ngoại bé Thảo) tâm sự: "Con bé ngoan lắm, từ nhỏ đã không biết mặt bố là ai, mẹ nó thì cả năm mới về quê thăm nó một lần. Nó nhớ mẹ lắm mà có dám nói cho ông bà biết đâu, nó sợ ông bà buồn. Hằng ngày, nó lết đi bằng đôi chân không lành lặn. Nó thường hỏi tại sao mẹ sinh nó ra lại cụt tay cụt chân như vậy? Mỗi lần nghe nó hỏi vậy, bà chỉ biết ôm nó vào lòng mà khóc chứ biết trả lời làm sao..."
Nhờ sự chia sẻ của mọi người về câu chuyện của Hiếu Thảo, nhiều người biết tới em hơn. Cuối năm 2018, Hiếu Thảo được lắp chân giả, mọi người cũng giúp đỡ gia đình, hỗ trợ cuộc sống của ông bà và em hơn.
Thảo được lắp chân giả, mặc dù việc sử dụng chân giả khiến em đau đớn khi đi lại, nhưng em luôn cố gắng để tập đi để sau này không còn bị ai trêu chọc nữa. Thảo luôn cố gắng tập đi chân giả trong nhà, bởi ở lớp các bạn có khi vô tình đụng trúng vào giờ ra chơi khiến em hay ngã.
Dù không có đôi tay lành lặn như người khác, Thảo viết chữ rất đẹp và còn đạt giải cao trong các kỳ thi vở sạch chữ đẹp. Em luôn là học sinh ngoan và là người có tấm lòng hiếu thảo với gia đình.
Cuộc sống của Hiếu Thảo dẫu vẫn còn những khó khăn, nhưng trước sự quyết tâm của cô bé chịu đau để tập đi chân giả, ai cũng tin rằng cô bé sẽ có nhiều động lực để vượt qua tất cả, để đón nhận niềm vui trong cuộc đời.
Sự thay đổi bất ngờ của em bé bị bại não và suy dinh dưỡng
Tháng 6/2016, những hình ảnh của bé Thào Thị Yến Nhi xã San Xả Hồ (Sa Pa, Lào Cai) được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người xót xa. Em lúc đó mới 14 tháng tuổi, nặng 3,5 kg, thân hình gầy gò với da bọc xương, đôi mắt hõm sâu vô hồn bị suy dinh dưỡng và mắc bệnh bại não, đặt đâu nằm đấy.
Mẹ Yến Nhi mất tích nghi bị lừa bán qua biên giới, bố em điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ lấy nước cơm bón cho hằng ngày, khiến cơ thể em gầy gò, ốm yếu.
Trước tình cảnh đáng thương của bé Yến Nhi, chị Phạm Thị Thanh Tâm (sinh năm 1992, Lào Cai) đã quyết định nhận nuôi bé sau một chuyến đi từ thiện. Nhờ tình yêu thương của mẹ nuôi, cuộc sống của Yến Nhi đã có nhiều thay đổi. Từ một cô bé suy dinh dưỡng, chỉ nặng 3,5 kg, đến giờ Yến Nhi đã lớn phổng phao, bụ bẫm và xinh xắn.
Sau khi nuôi bé Nhi một thời gian, chị Tâm kết hôn, chuyển về Thái Bình sinh sống cùng gia đình chồng. Bé Yến Nhi cũng được mẹ nuôi đón về chăm sóc và đón nhận thêm tình yêu thương từ gia đình chồng chị Thanh Tâm.
Giờ đây, Yến Nhi đã có cuộc sống bình yên, được chăm sóc đầy đủ và có được tình yêu và sự che chở của mẹ nuôi cùng gia đình.
Bé Yến Nhi thay đổi nhiều sau khi được chị Thanh Tâm nhận nuôi.
Cậu bé Hà Giang ngủ trên nền đất được nhận nuôi
Cũng vào khoảng cuối năm 2018, người ta thấy một em bé đang nằm ngủ co ro trên nền đất tại Hà Giang. Em là Vừ Mí Hùng, lúc đó mới 6 tuổi, là người Mông, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, em ở với bác nhưng bác lại hay ốm đau, say rượu. Lúc người ta phát hiện ra Hùng, em ở trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, nhiễm giun sán, bụng trướng to.
Video về cậu bé Hà Giang phải ngủ bờ, ngủ bụi đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Nhiều nhà hảo tâm đã tới nhận chăm sóc em và đưa em đi bệnh viện điều trị bệnh.
Chị Hạnh Nhân, ở TPHCM (một trong hai người đang nhận chăm bé) cho biết, sau khi được đưa vào viện, em Hùng được cho ăn uống, truyền dịch, uống thuốc xổ giun và tắm gội.
Chị Nhân cũng chia sẻ rằng, khi video của Hùng được đưa lên, rất nhiều người mong muốn được nhận nuôi bé. Sau nhiều lựa chọn, nhóm từ thiện đã chọn cho em được một gia đình tốt. Hiện Hùng sống cùng cha mẹ nuôi ở Bắc Giang.
Giữa đời thường, những câu truyện cổ tích vẫn được viết nên, và còn nhiều những câu chuyện khác chưa được kể. Nhiều cuộc đời đã được thay đổi nhờ sức mạnh của nhiều tấm lòng hảo tâm. Tình yêu thương chắc chắn là phép thuật nhiệm màu nhất để tạo nên sự ảnh hưởng tích cực tới những cuộc đời có hoàn cảnh khó khăn.