Có tiền, chồng nghĩ tới ai?
Chồng Hoa hiền lành, chí thú làm ăn, không nhậu nhẹt bê tha, nhưng sống với anh, Hoa không có cảm giác an toàn.
Chồng chị kể bữa nhậu với đám bạn, thằng nhỏ bán vé số năn nỉ mua. Vì đã cận giờ xổ số nên chẳng ai mặn mà. Một anh tội thằng nhỏ, mua hai tờ. Chừng nửa tiếng sau thằng nhỏ luýnh quýnh chạy tới, nói hai tờ vé số hồi nãy đã trúng độc đắc. Anh bạn sém xỉu.
Sau khi thưởng thằng bé ít tiền, anh mời cả nhóm đi nhà hàng lớn, “rửa” hai tờ vé số. Mọi người chuyền tay nhau hai tờ vé số, xem tới xem lui. Người tấm tắc, người tiếc nuối. Bia rượu xả láng tới mức ai nấy quắc cần câu.
Sáng hôm sau, cả đám bị anh kia dựng dậy hỏi có ai cầm giùm hai tờ vé số, anh tìm hoài không thấy. Vậy là mất 4 tỷ, mất một cách lãng xẹt. Vợ thằng bạn giận chồng, ôm con về ngoại. Thằng bạn giờ sắp phát điên...
Chị tò mò hỏi chồng nếu là anh trong trường hợp ấy, sẽ làm thế nào. Chồng hào hứng nói: “Thì cất kỹ, không cho ai xem rồi mới nhậu tiếp. Chuyện vui lớn vậy, không nhậu cho đã sao được”.
Chị điên tiết: “Anh chỉ lo đãi bạn nhậu, sao không nghĩ lập tức về chia vui với vợ con? Đàn ông luôn tắc trách, không biết nghĩ xa. Đã nhậu thì còn biết trời đất gì nữa mà kỹ với không kỹ. Vào tay anh, rốt lại hai tờ vé số ấy cũng mất”.
Chuyện “giả sử” thôi cũng khiến vợ chồng suýt cãi lộn, chị thì buồn quá đỗi. Vì chị biết chắc nếu chồng trúng số thật, người đầu tiên anh nghĩ tới chưa chắc là chị. Nhớ hôm cận tết vừa rồi, chồng háo hức báo tin sẽ được thưởng một số tiền lớn. Chị mừng thầm, dự tính sẽ thay chiếc tủ lạnh đời cũ quá tốn điện, phần còn lại sẽ để dành cho hai đứa con học hành.
Chờ mãi, không thấy chồng mang tiền về. Thì ra anh đã bao bạn nhậu, phần còn lại cho bạn mượn đổi xe mới. Chị điên tiết gằn giọng: “Sau này anh có đau ốm hay gặp thất bại, đi mà nhờ bạn, đừng gọi tới em”. Từ ngày đó, chị lập quỹ đen để phòng thân, vì biết chắc gia đình này không thể dựa vào cái trụ rỗng như anh.
Chị có người bạn mới ly hôn khi vợ chồng đang ăn nên làm ra. Hoa - bạn chị, có anh chồng rất giỏi làm ăn, lại hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương em gái. Em chồng Hoa từ nhỏ đã được cả nhà chiều tới mức ỷ lại. Cô ấy lấy chồng không bao lâu đã ly hôn, ôm con về nhà mẹ, và sĩ diện nên không nhận chu cấp của chồng cũ.
Hằng tháng, chồng Hoa phải cho em gái một khoản tiền để nuôi con. Lúc đứa nhỏ vào tiểu học, cô em rảnh rỗi nhưng vẫn không chịu đi làm. Hoa sốt ruột, xin việc giùm cô ấy. Việc nào cô cũng chê ỏng chê eo. Hoa rất bực nhưng không dám lên tiếng. Chồng Hoa thì nói “để đó, anh lo nổi”.
Hoa muốn tránh va chạm, đòi ở riêng. Chồng nói anh là con trai, phải có trách nhiệm gánh vác gia đình. Hoa cũng không còn cách nào.
Nhờ cơ hội tốt, chồng Hoa kinh doanh lãi một số tiền lớn. Hoa hỏi chồng định làm gì với số tiền ấy? Chồng thản nhiên bảo sẽ mua nhà cho em gái ở riêng cho thoải mái, phần còn lại cho cô ấy làm vốn mần ăn. Trong kế hoạch của chồng, không có bóng dáng Hoa và hai đứa con.
Trước giờ, chi phí trong nhà do Hoa gánh. Tiền của chồng là để làm ăn. Hằng tháng, tiền chợ, tiền hai đứa nhỏ học hành tốn bộn. Thỉnh thoảng cô em chồng còn nhờ mua thứ này thứ kia mà chẳng bao giờ đưa tiền. Hoa bươn chải ngược xuôi, nát óc tính toán để không phải thiếu hụt.
Hoa nhắc chồng, lo cho em gái là đúng, nhưng chỉ nên trong chừng mực nào đó. Cô ấy có bằng cấp, lại khỏe mạnh, không thể cả đời sống dựa vào anh trai được. Hai đứa con càng lớn, chi phí càng nhiều, phải dành một khoản để lo cho tương lai của các con… Chồng Hoa khăng khăng không thay đổi ý định.
Hoa uất ức, viết đơn ly hôn. Em chồng biết chuyện, liền thách Hoa có ngon thì cuốn gói đi liền. Má chồng nặng nhẹ: “Anh Hai bảo bọc em gái có gì là sai. Làm chị dâu mà không biết điều, không có tình người”.
Hoa nghẹn ngào kết rằng: mối quan tâm hàng đầu của chồng là gia đình anh ấy, không phải vợ con. Ví như cả nhà lênh đênh giữa biển trong cơn sóng dữ, nếu chỉ có thể cứu một hai người, chồng Hoa đương nhiên sẽ cứu cha mẹ và em gái.
Chồng Hoa hiền lành, chí thú làm ăn, không nhậu nhẹt bê tha, nhưng sống với anh, Hoa không có cảm giác an toàn. Tình yêu trong Hoa, vì cảm giác không an toàn kia đã cạn dần.
Vợ chồng là đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, nhưng có người không nghĩ vậy. Vì ham vui, hoặc vì nghĩ vợ con còn ở đó, từ từ lo, việc gì phải vội. Nhưng cơ hội không phải lúc nào cũng có. Dân gian có câu: “Con mất cha ăn cơm với cá, con mất mẹ liếm lá đầu đường”, điều đó hẳn đúc kết từ bản tính vô lo của đàn ông chăng.
Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/co-tien-chong-nghi-toi-ai/20200420114335906