Cố tình 'cầm nhầm'
Mấy ngày qua, nhiều người bất bình về việc phụ xe của một công ty vận tải (chạy tuyến Đắk Lắk đi các tỉnh miền Tây) đã cố tình 'cầm nhầm' túi xách của hành khách bỏ quên trên xe.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản chứ không thể nói là “nhặt được của đánh rơi”, bởi ngay sau khi xuống xe và phát hiện bỏ quên túi xách, nữ hành khách đã liên hệ với đơn vị sở hữu chiếc xe khách trên, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Không có ai nhặt được túi xách.
Đáng nói, trong túi xách mà chị Trần Thị Thùy D. bỏ quên trên xe, ngoài giấy tờ tùy thân còn có 90 triệu đồng hành khách này mang theo để khám chữa bệnh cho con. Mặc dù chị D. đã trình bày với những người có liên quan rằng đó là tiền cứu mạng con, nhưng đáng tiếc không được trả lại. Bức xúc, chị D. có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk xin hỗ trợ yêu cầu công ty vận tải (chủ sở hữu chiếc xe ô tô mà chị đã đi) trích xuất dữ liệu camera hành trình thì phụ xe đã “cầm nhầm” túi xách.
Thực tế cho thấy đây không phải là trường hợp đầu tiên “người nhà xe” cố tình “cầm nhầm” tài sản của hành khách. Còn nhớ năm 2008, chính tác giả bài viết này trong một chuyến công tác tại TPHCM cũng đã bị một tài xế taxi cố tình “cầm nhầm” ví giấy tờ trong đó có gần 10 triệu đồng. Dù đã gọi điện thoại năn nỉ với tài xế taxi rằng chiều phải bay gấp ra Hà Nội, chỉ cần xin lại giấy tờ, còn lại số tiền thì biếu, nhưng anh ta kiên quyết phủ nhận không nhặt được ví. Chỉ đến khi thanh tra nội bộ của công ty taxi vào cuộc, tài xế trên mới chịu thừa nhận và trả lại ví tiền cùng các loại giấy tờ tùy thân.
Nói như vậy không có nghĩa mọi tài xế và phụ xe đều tham và muốn “cầm nhầm” tài sản của khách. Còn rất nhiều những con người thật thà, chất phác, dù nghèo khó nhưng không tham lam tiền bạc của người khác. Đơn cử, cách đây hơn 1 năm, một nhân viên đội an ninh trật tự sân bay Nội Bài trong lúc làm nhiệm vụ đã phát hiện một chiếc túi chứa gần 1,2 tỷ đồng và một số đồ dùng cá nhân khác của hành khách bỏ quên. Anh nhân viên này đã báo cho người có thẩm quyền để liên hệ với chủ nhân chiếc túi đến nhận lại tài sản. Hay như suốt những năm qua có biết bao cháu học sinh, người nhặt ve chai... vô tình nhặt được của đánh rơi với giá trị lớn đã chủ động báo Công an tìm người bị mất đến nhận lại.
Trong khi có rất nhiều người nhặt được của đánh rơi, dù chủ nhân của tài vật bị mất không hề biết, họ vẫn tự nguyện trả lại tài sản, thì cũng có những người nổi lòng tham muốn chiếm đoạt làm của riêng. Hành vi của những người này không chỉ bị xã hội lên án, mà cần có biện pháp mạnh tay trấn áp để răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh những ai đã, đang và sẽ có ý định cố tình “cầm nhầm” tài sản của người khác.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-tinh-cam-nham-10305308.html