Có tình trạng né tránh vaccine ở một bộ phận người dân
Xây dựng chiến lược truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trọng điểm, có bằng chứng khoa học chính là một trong những giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra, nhất là việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng.
Bộ Y tế xác định mục tiêu tháng 8 và quý 3/2022 là cao điểm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em để chuẩn bị cho trẻ đến trường nhập học. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nhóm trẻ 5 đến 11 tuổi tiêm phòng vaccine Covid-19 trên cả nước còn tương đối thấp.
Bác sĩ NGUYỄN HUY DU, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam: “Về mặt tâm lý e ngại, e dè hoặc có thể nói là chủ quan của người dân đặc biệt là người chăm sóc trẻ, cha mẹ ngần ngại không cho trẻ tiêm. Chúng ta phải có cách thức truyền thông phù hợp đến đối tượng này về lợi ích của việc tiêm vaccine Covid 19, và có thể phải điều chỉnh cách thức truyền thông như truyền thông trực tiếp cho đối tượng bà mẹ này.”
Khi các ca mắc Covid-19 gia tăng trở lại, vấn đề tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 khiến khá nhiều người băn khoăn. Các chuyên gia nhấn mạnh cần tăng cường truyền thông để người dân thấy được lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp giảm tỷ lệ truyền nhiễm và giúp hạn chế phát sinh những biến chủng mới.
Tiến sỹ VŨ MINH HƯƠNG, Chuyên gia kỹ thuật Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam: “Chương trình tiêm vaccine Covid có lợi ích cho từng cá nhân cụ thể, cho hệ thống y tế và y tế toàn cầu, vì vậy với thời điểm hiện tại chiến lược tiêm vaccine Covid ngoài hoàn thiện các mũi cơ bản, các mũi nhắc lại lần một và lần hai vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.”
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn chỉ rõ tốc độ tiêm vaccine Covid-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân. Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Bộ y tế rà soát lại chiến lược truyền thông.
Bà ĐÀO HỒNG LAN, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: “Tránh việc kênh chính thống nói ít kênh ngoài lề nói nhiều tác động đến nhận thức người dân nên việc này chúng ta phải chủ động hơn, đây cũng là nhiệm vụ được giao nên cần xuất phát từ Bộ trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và khuyến cáo của WHO, để có định hướng truyền thông bài bản hơn, trên cơ sở đó địa phương căn cứ để triển khai thực hiện.”
Quyền Bộ trưởng cũng cho biết, Xây dựng chiến lược truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trọng điểm, có bằng chứng khoa học, tập trung vào tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các đối tượng có nguy cơ cao chính là một trong những nhiệm vụ Bộ y tế được giao tại công điện 664 của Thủ tướng Chính phủ mới đây Về tăng cường công tác tiêm vaccine phòng Covid-19.
Thực hiện : Tiến Dũng Như Thảo Minh Công
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-tinh-trang-ne-tranh-vaccine-o-mot-bo-phan-nguoi-dan