Cờ Tổ quốc tung bay giữa trùng khơi

Trong mỗi chuyến vươn khơi nơi vùng biển xa, ngư dân luôn ấm lòng khi thấy cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tàu giữa biển cả mênh mông. Đối với bà con, đó là điểm tựa, niềm tự hào, cũng là lời nhắc nhở về ý thức bảo vệ chủ quyền, không vi phạm lãnh hải.

Cờ Tổ quốc tung bay giữa trùng k

Mạnh về biển, giàu lên từ biển

Tỉnh ta có lợi thế phát triển khai thác hải sản, thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước về năng lực tàu cá và sản lượng khai thác. Tính đến giữa năm 2020, toàn tỉnh có 6.578 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên và có khoảng 40.000 lao động trực tiếp khai thác hải sản. Trong đó, tàu cá dưới 12 m có 2.073 chiếc; tàu cá từ 12 m đến dưới 15 m có 1.926 chiếc; tàu cá từ 15 m trở lên có 1.949 chiếc. Ngành nghề khai thác hải sản trong tỉnh khá đa dạng, với trên 10 loại nghề đánh bắt cá nổi, cá đáy, các loài hải đặc sản. Bên cạnh đó, Bình Thuận là ngư trường trọng điểm nên hàng năm có từ 2.000 - 3.000 tàu cá từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động khai thác.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, phát huy hiệu quả, góp phần gia tăng hoạt động trên vùng biển xa, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy vậy, do một số ít trường hợp vì lợi ích kinh tế, hám lợi, đã bất chấp quy định pháp luật, vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản. Hệ lụy của nó không chỉ gây thiệt hại cho chính ngư dân mà còn tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Vì lẽ đó, để ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trọng tâm là kết hợp giữa tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và các biện pháp chế tài gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ. Song song với tuyên truyền và phổ biến pháp luật, các địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, sau đó thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư. Rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt.

Đến thời điểm này, 100% chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá xa bờ đều ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện tại, tỉnh Bình Thuận đang tăng cường các biện pháp triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến, theo dõi tàu cá nghi vấn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng thường xuyên tổ chức nắm tình hình, điều tra các trường hợp móc nối đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài trái phép. Các ngành, địa phương còn phối hợp xử lý, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động trên vùng biển xa và dừng tất cả các chính sách hỗ trợ hiện hành đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiên ngang giữa trùng khơi

Nhờ các biện pháp quản lý trên, Bình Thuận đã từng bước ngăn chặn hiệu quả tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Số vụ vi phạm, số tàu cá và ngư dân của Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ, xử lý giảm dần qua từng năm. Nếu như năm 2019 Bình Thuận có 6 tàu/40 ngư dân vi phạm, thì hơn một năm qua (từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2020), không có bất kỳ tàu cá nào của Bình Thuận vi phạm lãnh hải nước ngoài. Từ đó góp phần đảm bảo quy định về Phòng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) .

Kết quả đạt được trong việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài cho thấy sự chuyển biến quan trọng về nhận thức đối với tác hại, hậu quả của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Mới đây, trong chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy, báo Người Lao Động tổ chức thêm một lần nữa khẳng định điều đó. Trong khuôn khổ chương trình này, 2.000 lá cờ Tổ quốc được trao cho ngư dân thị xã La Gi. Nhận được lá cờ Tổ quốc trên tay, ngư dân Trần Lý (ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi) phấn khởi thay ngay lá cờ đã cũ trên tàu. “Khi ra khơi, mỗi khi thấy cờ Tổ quốc mình an tâm lắm. Sắc đỏ của cờ từ xa giúp mình và anh em bạn thuyền không thấy lẻ loi. Màu cờ cũng nhắc nhở mình quyết tâm khai thác, bám biển giữ chủ quyền” – ông Trần Lý chia sẻ.

Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam, hình ảnh mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Tin rằng, với những nỗ lực của các ngành, đơn vị, địa phương đồng hành cùng ngư dân bám biển sẽ tạo sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội, giúp cộng đồng ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, không vi phạm lãnh hải nước ngoài.

Lê Phúc

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/co-to-quoc-tung-bay-giua-trung-khoi-132840.html