Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau lo 'lỡ hẹn' vì thiếu cát đắp nền

Hạn chế về khối lượng cát đắp nền đang là rào cản lớn khiến dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau chưa đáp ứng tiến độ đề ra.

Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau chưa đáp ứng tiến độ đề ra do thiếu cát. (Ảnh: Báo Giao thông).

Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau chưa đáp ứng tiến độ đề ra do thiếu cát. (Ảnh: Báo Giao thông).

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay, dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Hậu Giang có sản lượng thực hiện dự án đạt khoảng 2.290/6.846 tỷ đồng, đạt 33,5% giá trị hợp đồng, chậm 9% so với tiến độ điều chỉnh.

Các hạng mục chính đang được nhà thầu tập trung thi công gồm hoàn chỉnh đường công vụ và cầu tạm; xử lý nền đất yếu và thi công đắp nền K95; đã triển khai thi công 40/40 cầu (móng cọc, mố trụ cầu, đúc và lao lắp dầm).

Thiếu mặt bằng, thiếu cát đắp nền

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, nguyên nhân chậm là do vướng mặt bằng tại một số vị trí thi công cầu, thiếu nguồn vật liệu đắp nền (bao gồm đường công vụ để thi công cầu); nhà thầu chậm huy động nhân sự, máy móc thiết bị theo tiến độ cam kết.

Bên cạnh đó, khối lượng cát đắp nền khai thác và đưa về dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số mỏ cát đã được địa phương cấp bản xác nhận, nhà thầu đã hoàn thành thủ tục nhưng chưa thể khai thác do người dân cản trở (2 mỏ tại Vĩnh Long) hoặc nằm trọn trong luồng đường thủy (1 mỏ tại An Giang). Cùng đó, các dự án trong khu vực triển khai đồng loạt, công tác huy động thiết bị, nhân lực còn gặp nhiều khó khăn.

Với đoạn cao tốc Hậu Giang-Cà Mau, giá trị thực hiện lũy kế từ đầu dự án đến nay đạt hơn 3.500 tỷ đồng, đạt 30% giá trị hợp đồng, chậm 10% so với tiến độ điều chỉnh.

Cụ thể, gói thầu XL01 đạt 1.875/5.872 tỷ đồng, đạt 32%; gói thầu XL02 đạt 861/3.394 tỷ đồng, đạt 25%; gói thầu XL03 đạt 829/2.715 tỷ đồng, đạt 31%.

Các hạng mục chính đang tập trung thi công gồm hoàn chỉnh đường công vụ và cầu tạm; Xử lý nền đất yếu và thi công đắp nền K95; đã triển khai thi công 71/86 cầu.

"Tiến độ thi công dự án chậm do khối lượng cát đắp nền được phân bổ về dự án còn thấp, nguồn cung cát rất hạn chế, 2/7 mỏ cát tại Đồng Tháp đang tạm dừng khai thác để khắc phục môi trường. Quy trình phê duyệt, giao mỏ cát cho nhà thầu còn mất nhiều thời gian. Thêm vào đó, các dự án triển khai đồng loạt nên công tác huy động thiết bị gặp nhiều khó khăn; tình hình nhân sự không ổn định cả về chất lượng và số lượng, ảnh hưởng trực tiếp công tác nội nghiệp và hiện trường", lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay.

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vào năm 2025

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã trực tiếp kiểm tra hiện trường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau vào ngày 22-23/5

Để đảm bảo hoàn thành dự án vào cuối năm 2025, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bố trí một lãnh đạo Ban phụ trách dự án thường trực tại hiện trường. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch để kịp thời có giải pháp xử lý các nhà thầu, đơn vị chậm trễ. Giám đốc Ban phải tổ chức họp kiểm điểm và đánh giá hàng tuần, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc tổ chức triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công và giải ngân dự án.

Đồng thời, Ban cần chỉ đạo các nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết kèm theo nhu cầu nhân vật lực, máy móc thiết bị thi công, kế hoạch tập kết vật tư cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường các mũi, thi công 3 ca 4 kíp để bù lại khối lượng chậm. Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên nguồn cát để hoàn thành công tác đắp gia tải các đoạn đắp cao, các đoạn đã hoàn thành công tác cắm bấc thấm, đảm bảo hoàn thành gia tải nền đường theo kế hoạch.

Cùng với đó, tăng cường thiết bị thi công cắm bấc thấm, thi công cọc xi măng đất, dây chuyền đắp nền đường gồm máy lu, máy đào, máy ủi, ô tô vận chuyển… để tập trung thi công hoàn thành hạng mục xử lý nền đất yếu theo kế hoạch.Tăng cường mũi thi công các cầu lớn, tổ chức thi công đồng loạt toàn bộ các cầu đã có mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ đúc dầm và lao lắp dầm để sớm nối thông toàn tuyến, đảm bảo việc tổ chức thi công.

Đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long sẽ đảm bảo hỗ trợ, cung cấp cát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh GPMB là yếu tố quyết định đến tiến độ dự án, Bộ trưởng yêu cầu dự án xây dựng các mốc tháng 6, 8, 10/2024 phải hoàn thành việc đắp gia tải xử lý nền đất yếu, đảm bảo thời gian gia tải 12 tháng, sau đó tăng tốc thi công mặt nền, để kịp cán đích vào cuối năm 2025.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài 110,87km, tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng. Dự án có quy mô 4 làn xe hạn chế (giai đoạn 1); mặt cắt ngang 17m. Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Tuyến cao tốc này bao gồm 2 dự án thành phần: Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư 9.769 tỉ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn 17.485 tỉ đồng.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II, được kỳ vọng sẽ khép kín trục dọc "xương sống mới" kết nối nội vùng, liên vùng, thông tuyến cao tốc Bắc Nam từ TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, kết nối các đường cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu trong tương lai. Khi hoàn thành đưa vào khai thác, cao tốc có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc tối đa 80 km/giờ; giai đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường 25 m, vận tốc tối đa 120 km/giờ.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/cao-toc-can-tho-ca-mau-lo-lo-hen-vi-thieu-cat-dap-nen.html