Cố Tổng Bí thư Trường Chinh qua hồi ức cháu nội
TS. Đặng Xuân Thanh là cháu nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Ngồi ghế diễn giả phần thảo luận bàn tròn tại hội thảo khoa học quốc gia '80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển', TS. Đặng Xuân Thanh nhắc kỷ niệm về ông nội.
TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - cho rằng trong suốt cuộc đời cố Tổng Bí thư Trường Chinh văn hóa, truyền thống luôn thấm đẫm trong ông và gia đình. Điều đó thể hiện rất rõ trong con người đời thường, con người cách mạng và nhân cách sống của cố Tổng Bí thư.
"Những tính cách đặc trưng của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - ông nội tôi - là sự nghiêm cẩn, sự thận trọng, nguyên tắc trong công việc. Những tính cách này trở nên nổi tiếng và trở thành giai thoại, trở thành bí danh của cố Tổng Bí thư thời kỳ ông còn công tác. Cho dù hoạt động trong lĩnh vực Triết học, Văn học hay Vật lý, niềm say mê và sự cống hiến đều xuất phát từ truyền thống gia đình", TS. Đặng Xuân Thanh nói.
TS. Đặng Xuân Thanh kể những kỷ niệm về ông nội, khẳng định môi trường văn hóa gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Sự nghiêm cẩn, nghiêm túc, thận trọng… trong nghiên cứu khoa học ở mỗi thành viên trong gia đình được trui rèn từ những cuộc trao đổi giữa các thành viên trong gia đình, từ cuốn sách mà Tổng Bí thư Trường Chinh khuyến khích con cháu đọc.
"Mọi người trong gia đình đều có tủ sách riêng. Đấy là đặc trưng của gia đình chúng tôi. Khi tôi chỉ mới 5-6 tuổi mới biết đọc, biết viết đã được ông nội đóng cho tủ sách cao khoảng 1 m. Ông đã trích tiền lương mua cho tôi những cuốn sách mà tôi nhớ rất rõ như Túp lều của bác Tôm, Không gia đình, Những tấm lòng nào cả...", TS. Đặng Xuân Thanh nhớ lại.
Sau này lớn hơn, vị tiến sĩ này được hướng dẫn đọc sách ở tủ sách của bố, của chú, của ông. "Lúc đầu đọc tôi cũng không hiểu được mấy, nhưng càng đọc nhiều lại càng thấm. Có cả những tác phẩm như Chiến tranh hòa bình, Những người khốn khổ thấm từng trang sách, có tác phẩm còn thấm sâu hơn nữa", TS. Đặng Xuân Thanh chia sẻ.
Tiếp những dòng kỷ niệm về cố Tổng Bí thư Trường Chinh, TS. Thanh nói rằng trong mỗi bữa cơm, ông nội và bố - Giáo sư triết học Đặng Xuân Kỳ - thường thảo luận chuyện văn hóa, văn học, lịch sử. Nhiều kiến thức vì thế tự ngấm dần vào thế hệ các cháu.
"Sau này, khi ở tuổi xế chiều, ông tôi vẫn thể hiện tình yêu thơ ca, văn nghệ. Nhiều lúc, ông đọc thơ tình rồi vui vẻ ôm vai bà, khiến bà đỏ mặt. Những hình ảnh đó in sâu trong tâm trí tôi", ông Đặng Xuân Thanh nói.
Tại phần thảo luận bàn tròn, các diễn giả tiếp tục khẳng định giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, công bố năm 1943. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: "Đề cương là văn kiện quan trọng, chỉ rõ chiến lược, phương pháp cho hoạt động văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, là bước ngoặt lịch sử quan trọng".
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng Việt Nam có tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng chưa được ưu tiên đúng mực. Các lĩnh vực văn hóa đặc thù, không thể đặt ưu tiên kinh tế lên trước. Bà lấy ví dụ về một số loại hình nghệ thuật dân tộc không thể tự chủ hoàn toàn như tuồng chèo, cải lương...
Theo số liệu năm 2018, ngành văn hóa đóng góp 3,61% GDP, tạo ra 6% công ăn việc làm cho người dân. Nhà nước đặt ra mục tiêu năm 2045, ngành văn hóa sẽ đạt 7% GDP.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển do Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư, Bộ VHTTDL, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 27/2. Hội thảo quy tụ gần 300 đại biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và tại các điểm cầu trên toàn quốc.