Có trường đại học 'chới với' khi xây dựng chiến lược phát triển

16 trường đại học tại Việt Nam được hỗ trợ phương pháp, công cụ đổi mới quản trị trường đại học.

Chiều 21-3, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tổ chức tọa đàm "Định hướng hỗ trợ các trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TP.HCM về phương pháp xây dựng, tổ chức, thực hiện chiến lược và quản trị trường ĐH”.

Tại đây, đại diện một số trường ĐH tại TP.HCM thừa nhận hiện các trường đều có mục tiêu, chiến lược nhưng hầu hết đều áp từ trên xuống rồi giao về cho các khoa, phòng/ban nên chưa khoa học, trong khi đáng lẽ phải bắt đầu từ dưới lên.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH hiện đang đối diện nhiều thay đổi, thách thức nên khó thành công nếu vẫn triển khai hoạt động quản trị theo cơ chế cũ như: lập kế hoạch khi không đủ dữ liệu phân tích bối cảnh phát triển; thiếu những dự đoán chính xác về xu hướng thay đổi của nền kinh tế, xã hội; năng lực quản lý, điều hành, giám sát và kiểm tra/đánh giá của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ khoa học chưa phù hợp với bối cảnh mới; thiếu đầu tư cho đào tạo cán bộ….

Để hỗ trợ các trường ĐH trong khu vực giải quyết các thách thức nêu trên, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết Tổ chức các trường ĐH Pháp ngữ - Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AUF- DRAP) đã kết nối 16 trường ĐH tại châu Âu và châu Á (trong đó có 6 trường ĐH Việt Nam) để cùng xây dựng Dự án “Đổi mới quản trị ĐH tại Đông Nam Á (PURSEA). Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ từ năm 2020 đến năm 2023.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ về dự án PURSEA về đổi mới quản trị đại học tại tọa đàm. Ảnh: PA

TS Nguyễn Thị Cúc Phương chia sẻ về dự án PURSEA về đổi mới quản trị đại học tại tọa đàm. Ảnh: PA

Với dự án này, các chuyên gia đối tác châu Âu đã giúp các trường châu Á đổi mới quản trị ĐH thông qua việc học các phương pháp mới để xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường, biến chiến lược thành các kế hoạch hành động trung hạn và ngắn hạn để triển khai. Các thành viên tham gia dự án đã được học sử dụng các công cụ hỗ trợ để xây dựng chiến lược và triển khai kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của từng trường ĐH.

Theo TS Phương, dự án này sẽ lan tỏa tinh thần và hình thành một hệ thống chia sẻ thông tin và chuyển giao kết quả, sản phẩm, bộ công cụ của dự án cho các trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TP.HCM nói riêng và các trường ĐH ngoài dự án nói chung.

Tại tọa đàm, với vai trò là Chủ tịch hội đồng các trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe tại TP.HCM, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng hiện nay, trường ĐH nào cũng phải xây dựng chiến lược phát triển, nhất là khi chuyển sang cơ chế tự chủ.

Tuy nhiên, chủ yếu các trường tự mày mò, thậm chí "chới với" vì mỗi trường có đặc thù, điều kiện, mục tiêu chiến lược khác nhau trong khi chưa có chuẩn nào cụ thể. Việt Nam hiện cũng chưa có nhiều chuyên gia hoặc việc kết nối các chuyên gia cùng hỗ trợ xây dựng chiến lược còn hạn chế.

Do đó, theo PGS Hiệp, nếu các trường, trước mắt là 8 trường có đào tạo ngành sức khỏe được chia sẻ, học hỏi những cách làm từ dự án trên, có thể sẽ có phương pháp xây dựng chiến lược phát triển trường một cách căn bản, sáng tạo, đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của trường. Bởi mục đích cuối cùng nếu có chiến lược tốt sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích nhiều nhất cho người học.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-truong-dai-hoc-choi-voi-khi-xay-dung-chien-luoc-phat-trien-post724947.html