Có trường đại học dù 'trải thảm đỏ' nhưng GS, PGS nước ngoài đến rồi lại đi

Cần đơn giản hóa thủ tục, miễn thị thực, và có cơ chế nghiên cứu thông thoáng để tạo động lực thu hút tiến sĩ, GS, PGS người nước ngoài, Việt kiều về nước.

Đối với giáo dục đại học, bài toán thu hút nguồn giảng viên chất lượng cao vẫn đang là một trong những thách thức lớn. Để xây dựng và phát triển đội ngũ nghiên cứu mạnh, hội nhập quốc tế, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học trong nước không chỉ mong muốn tiếp cận đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài mà còn đặc biệt chú trọng việc “săn đón” người Việt Nam là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài về trường làm giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện do còn vướng mắc về hành lang pháp lý, cũng như chính sách chưa thật sự tạo được động lực thu hút, giữ chân giảng viên.

Trước bối cảnh đó, đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, kỳ vọng sẽ tạo được bước phát triển đột phá về đội ngũ giảng viên.

Mong muốn xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, nhóm nghiên cứu mạnh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nghệ An chia sẻ, việc xây dựng đề án có ý nghĩa quan trọng. Nếu được thiết kế với tầm nhìn dài hạn và tính khả thi cao, đề án sẽ mở ra cơ hội để hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam tăng cường hội nhập trong môi trường học thuật toàn cầu.

Nhà trường luôn quan tâm đến xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, nhóm nghiên cứu mạnh. Do đó, nhà trường phát triển đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ theo hai hướng chính. Một là từ nguồn nội tại, nghĩa là giảng viên đang công tác tại trường sẽ tiếp tục học tập, nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu. Hai là từ việc thu hút các chuyên gia, giảng viên trình độ tiến sĩ, các giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài (gồm cả người nước ngoài và Việt kiều đang giảng dạy tại các trường đại học ở nước ngoài). Nhà trường tận dụng các mối quan hệ học thuật giữa giảng viên của nhà trường với các nhà khoa học ở nước ngoài, hoặc ở các cơ sở đào tạo khác để kết nối, chiêu mộ thầy cô về công tác và giảng dạy lâu dài.

 Nguồn ảnh minh họa: Trường Đại học Nghệ An

Nguồn ảnh minh họa: Trường Đại học Nghệ An

Cùng chia sẻ, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Đông Á cho rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài là hướng đi đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh các trường đại học đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn đội ngũ giảng viên (theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học).

Theo thầy Tuấn, nhiều ngành đào tạo ở trong nước hiện vẫn đang thiếu giảng viên trình độ tiến sĩ. Thực tế đối với một số ngành, nhà trường xác định tập trung thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ, các giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần giải quyết nhiều thủ tục pháp lý, hành chính, kể cả với người gốc Việt ở nước ngoài về Việt Nam.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, hiệu trưởng của một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, việc thu hút giảng viên quốc tế hay Việt kiều về nước không chỉ nằm ở chế độ đãi ngộ mà quan trọng hơn là phải tháo gỡ những rào cản về thủ tục hành chính, cơ chế tuyển dụng và thực hiện nghiên cứu.

“Hiện nay, các trường công lập gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên là chuyên gia nước ngoài bởi còn phụ thuộc vào đề án vị trí việc làm. Sau khi có vị trí, nhà trường lại phải hoàn thiện hàng loạt thủ tục quy định để được phê duyệt. Việc mời giảng viên thỉnh giảng thì tương đối dễ, nhưng để ký hợp đồng dài hạn thì quy trình rất phức tạp”, thầy hiệu trưởng chia sẻ.

Cần chính sách thu hút cụ thể, cơ chế nghiên cứu rộng mở

Theo thầy Tuấn, do những khó khăn về thủ tục pháp lý, cũng như những giảng viên ở nước ngoài đã có công việc ổn định nên nhà trường chỉ có thể mời họ tham gia thỉnh giảng.

"Việc thu hút giảng viên người nước ngoài, người Việt ở nước ngoài vẫn là thách thức lớn, không chỉ đối với trường đại học công lập mà cả tư thục. Muốn thu hút được, ngoài lương, thì cần chính sách hỗ trợ về việc ăn ở, đi lại, tạo môi trường làm việc và cơ hội phát triển sự nghiệp cho chính giảng viên khi về trường", thầy Tuấn nhận xét.

Liên quan đến việc Việt Nam đang đẩy mạnh đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành bán dẫn, thầy Tuấn đánh giá đây là cơ hội tốt để thu hút người Việt ở nước ngoài về nước giảng dạy.

Đồng thời, thầy Tuấn cũng kỳ vọng rằng, nếu có cơ chế thông thoáng, chính sách hỗ trợ đầy đủ và hấp dẫn thì sẽ có nhiều trí thức Việt đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài sẵn sàng trở về Việt Nam không chỉ để cống hiến mà còn đồng hành lâu dài cùng các trường.

Chia sẻ về chính sách thu hút của trường, thầy Tường cho biết, nhà trường xác định xây dựng mức hỗ trợ tài chính 200 triệu đồng/giảng viên trình độ tiến sĩ về trường. Mức hỗ trợ này sẽ cao hơn đối với những vị trí đặc biệt như thu hút được giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, người Việt Nam là giáo sư, phó giáo sư công tác ở nước ngoài về trường làm việc. Thầy cô có thể nhận hỗ trợ một lần hoặc rải theo từng tháng, năm, tùy theo thỏa thuận và kế hoạch phát triển nhân sự.

Tuy nhiên, để có thể triển khai một cách thực chất và bền vững, nhà trường rất cần có một cơ chế chính sách đột phá mang tính hệ thống, đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc ở các cơ sở giáo dục trong nước là rất cần thiết. Trong đó, cần có những quy định cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính (giấy phép lao động, đơn giản hóa hồ sơ liên quan, miễn thị thực,...) để tạo động lực thu hút giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, Việt kiều về nước.

Mặt khác, theo thầy Tường, nếu chỉ áp dụng nguồn lực tài chính của nhà trường thì không đủ sức để thu hút đội ngũ nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc. Do đó, nhà trường mong muốn có sự hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, bởi đội ngũ chuyên gia này không chỉ đóng góp riêng cho nhà trường mà còn phục vụ cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Muốn thu hút được giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, cũng như người Việt Nam là giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài, không thể chỉ có lương cao mà họ cần được bảo đảm cả về chỗ ở, điều kiện làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tất cả những yếu tố này cần nguồn lực lớn và chính sách phù hợp. Do đó, đề án cần nêu rõ những chính sách, điều kiện để đảm bảo chính sách được triển khai để thuận lợi.

Nhấn mạnh đến thực tế thu hút giảng viên là tiến sĩ, hay giáo sư, phó giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài, vị hiệu trưởng trường đại học ở Hà Nội cho hay, đã không ít trường đại học trong nước “trải thảm đỏ” nhưng cuối cùng các chuyên gia này vẫn rời đi. Họ rời đi một phần không phải vì lương hay nhà ở, mà là vì thủ tục hành chính còn phức tạp.

Các chuyên gia quốc tế thường làm việc trong môi trường linh hoạt, ít ràng buộc, trong khi hoạt động nghiên cứu ở Việt Nam vẫn còn quá nhiều thủ tục hành chính. Dù đã có chủ trương cởi trói, nhưng khi chưa có hướng dẫn cụ thể, thì mọi thứ vẫn "đứng chờ". Với người Việt ở nước ngoài, ngay từ khi trở về và bắt tay vào nghiên cứu, họ đã phải đối mặt với quy trình giấy tờ phức tạp – chưa nghiên cứu đã nản, khiến không ít người mất dần nhiệt huyết, không còn muốn gắn bó lâu dài với cơ sở giáo dục.

Cũng theo vị này, các đề tài khoa học được quản lý theo nguyên tắc khoán chi từng phần, tương ứng với nội dung và kết quả cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, quá trình giải ngân vẫn cần qua nhiều bước thủ tục và giải trình chi tiết. Bất cập ở chỗ, chẳng hạn khi nhà khoa học đăng ký mua một loại hóa chất phục vụ nghiên cứu, nhưng trong quá trình triển khai, phát sinh nhu cầu thay đổi do không còn phù hợp, thì việc xin điều chỉnh cũng khó được chấp thuận. Nếu ngay cả một thay đổi nhỏ cũng bị ràng buộc thì làm sao có thể làm nghiên cứu một cách chủ động và hiệu quả?

“Muốn xây dựng được những nhóm nghiên cứu mạnh, tạo nền tảng khoa học thực chất cho trường đại học thì đề án thu hút cũng như chính sách phải thực sự rộng mở – từ tuyển dụng, visa cho đến cơ chế nghiên cứu khoa học”, vị hiệu trưởng chia sẻ thêm.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-truong-dai-hoc-du-trai-tham-do-nhung-gs-pgs-nuoc-ngoai-den-roi-lai-di-post250676.gd