Có truy cứu trách nhiệm hình sự cho hành vi bạo lực học đường?
Trong lớp cháu tôi có 1 bạn nam chuyên đánh bạn bè, hầu như bạn nào cũng từng bị bạn ấy đánh. Phụ huynh các em bị bạn đánh đều phản ánh với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nhưng không được giải quyết triệt để..
Trong lớp cháu tôi có 1 bạn nam chuyên đánh bạn bè, hầu như bạn nào cũng từng bị bạn ấy đánh. Phụ huynh các em bị bạn đánh đều phản ánh với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nhưng không được giải quyết triệt để, cứ để bạn ấy như vậy trong lớp đến hết năm học. Tôi rất xót cháu và bức xúc, xin hỏi luật sư hành vi bao lực học đường có bị truy cứu trách nhiệm gì không ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý theo nội quy nhà trường, xử lý vi phạm hành chính, xử lý dân sự, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự.
Trong trường hợp trên của cháu chị có thể xem xét mức độ thương tích để xác định nên xử lý theo trường hợp nào.
Nếu học sinh đang học trường Trung học cơ sở thì tùy theo mức độ có thể xem xét kỷ luật theo Thông tư 32/2020/TT-BGDDT về ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, quy định tại khoản 2 Điều 38. Khen thưởng và kỷ luật:
"2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo."
Xử lý hành chính
Theo quy định tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 Sửa đổi, bổ sung 2020:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
- Cũng tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Trách nhiệm dân sự
Hành vi trên của bạn học sinh trên là hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm và sức khỏe tinh thần, do đó là cơ sở để áp dụng bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ gây thiệt hại cho người khác.
Theo Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. Bao gồm các chi phí sau:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
Cũng tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những chi phí được xác định như sau:
+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
- Nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự năm 2015).
- Nếu người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Trách nhiệm hình sự
Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường khi đã đủ 16 tuổi trở lên sẽ có thể xem xét trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
- Theo khoản 22 Điều 1 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
+ Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
+ Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.
- Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.
+ Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Lưu ý: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi bạo lực học đường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bị hại.