Cố vấn học tập với những thách thức trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ được ra đời năm 1872 tại Đại học Harvard, Mỹ. Đến đầu thế kỷ 20, hệ thống tín chỉ được áp dụng rộng rãi tại các trường đại học ở Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu, ở Việt Nam, hệ thống tín chỉ đã được áp dụng từ trước năm 1975 tại Viện Đại học Cần Thơ và Viện Đại học Thủ Đức. Sau đó cùng với quá trình đổi mới của nền kinh tế, giáo dục và đào tạo nước ta cũng có nhiều thay đổi. Theo chủ trương đó, học chế tín chỉ đã ra đời và được triển khai trong toàn bộ hệ thống các trường đại học và cao đẳng nước ta từ năm 1988 đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các trường đại học đều chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi người học phải dành nhiều thời gian để tự học, tự nghiên cứu tài liệu mà giảng viên cung cấp để có thể nắm bắt kịp thời những nội dung của học phần, thực hiện các bài tập cá nhân, bài tập nhóm hay thuyết trình… Hay nói cách khác, quá trình tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ là quá trình hướng tới mục tiêu cá thể hóa việc học tập của sinh viên. Chính vì vậy, vai trò của cố vấn học tập rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, rèn luyện và nghiên cứu của sinh viên. Ngoài ra, cố vấn học tập còn là cầu nối trong mối quan hệ giữa nhà trường – sinh viên và các nhà tuyển dụng; là một chuyên gia tư vấn, hỗ trợ về học tập và việc làm cho sinh viên, đồng hành cũng sinh viên trong suốt quá trình học tập.

Những vấn đề liên quan đến cố vấn học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Theo quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ đang có hiệu lực được Bộ giáo dục và Đào tạo (2014) ban hành theo Quyết định số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/5/2014 trên cơ sở hợp nhất Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT. Quyết định số 17/VBHN-BGDĐT đề cập chức danh cố vấn học tập và quy định nhiệm vụ của cố vấn học tập do hiệu trưởng trường Đại học quyết định. Do vậy, chức năng và nhiệm vụ của cố vấn học tập gắn liền với hệ thống tín chỉ ở trường đại học, cao đẳng.

Tại điều 16, Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ngày 5/4/2016. Trong thông tư này, Bộ giáo dục và Đào tạo quy định về tư vấn học tập thuộc công tác sinh viên.

1. Nhiệm vụ của cố vấn học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Cố vấn học tập là "người tư vấn và hỗ trợ sinh viên phát huy tối đa khả năng học tập, lựa chọn học phần phù hợp để đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp và khả năng tìm được việc làm thích hợp; theo dõi thành tích học tập của sinh viên nhằm giúp sinh viên điều chỉnh kịp thời hoặc đưa ra một lựa chọn đúng quá trình học tập; quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo lớp được phân công phụ trách đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của sinh viên".

Cố vấn học tập là người nghiên cứu và nắm rõ các quy định về Quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT, Quy chế của Trường về học tập, rèn luyện và công tác sinh viên; cập nhật những thay đổi, bổ sung trong nội quy, quy chế để có thể tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyệnđồng thời tiếp nhận và phản ánh các nguyện vọng, góp ý của sinh viên đến nhà trường.

Cố vấn học tập sẽ quản lý lớp phụ trách, thông tin cá nhân sinh viên; hỗ trợ tập thể lớp bầu ban cán sự lớp để Trưởng khoa/bộ môn phê duyệt.

Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan trong công tác quản lý sinh viên để hướng dẫn sinh viên liên hệ công việc đúng nơi, đúng việc, đúng quy định; theo dõi tình hình hoạt động của lớp để báo cáo định kỳ (1 tháng/1 lần) cho trưởng khoa/bộ môn.

Cố vấn học tập sẽ thường xuyên theo dõi việc rèn luyện và học tập của sinh viên để nhắc nhở sinh viên thực hiện tốt việc học tập; tư vấn giúp sinh viên xác định kế hoạch học tập phù hợp với năng lực và hoàn cảnh, điều kiện của sinh viên.

Phối hợp (thông qua Trưởng khoa/bộ môn) với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý sinh viên để chăm lo về các vấn đề: Quản lý sinh viên nội - ngoại trú; sinh viên nghỉ học tạm thời, học lại, thôi học, chuyển trường; chế độ chính sách cho sinh viên; vay vốn tín dụng; tạm hoãn nghĩa vụ quân sự

Cố vấn học tập sẽ kết hợp với gia đình sinh viên về vấn đề học tập, rèn luyện của sinh viên và tìm hiểu nguyên nhân sinh viên nghỉ học.

Tổ chức họp lớp thực hiện công tác đánh giá kết quả rèn luyện sinh viên; xét khen thưởng - kỷ luật; xét các loại học bổng và cùng tham dự họp hội đồng cấp khoa/bộ môn để bình xét. Nhập điểm rèn luyện của sinh viên lên hệ thống quản lý đào tạo.

Hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học; các hoạt động phong trào khác.

Tuyên truyền cho sinh viên về giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; nhắc nhở sinh viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc khảo sát lấy ý kiến người học và tình trạng sinh viên có việc làm.

Xây dựng kế hoạch hoạt động của cố vấn học tậptheo năm học.

Thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Trưởng khoa/bộ môn.

Giữ mối liên hệ với các cựu sinh viên của trường.

2. Quyền hạn của cố vấn học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Cố vấn học tập có quyền yêu cầu ban cán sự lớp báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình của lớp để có biện pháp chỉ đạo, góp ý kịp thời các hoạt động của lớp.

Cố vấn học tập được quyền đề nghị Trưởng khoa/bộ môn và các đơn vị liên quan cung cấp tài liệu và các thông tin cần thiết để tham khảo phục vụ cho công tác quản lý sinh viên của lớp mình.

Cố vấn học tập có quyền tham gia các phiên họp của hội đồng các cấp có liên quan đến sinh viên của lớp mình phụ trách.

Cố vấn học tập có quyền tổ chức họp lớp sinh viên để thực hiện trách nhiệm được phân công.

Cố vấn học tập được giảm giờ dạy theo quy định hiện hành.

Được cung cấp các tài liệu phục vụ cho công tác cố vấn học tập: Danh sách lớp, sổ tay sinh viên, các văn bản liên quan đến công tác sinh viên do phòng công tác chính trị và quản lý sinh viên cung cấp.

Được thông tin tình hình kết quả học tập của sinh viên.

Cố vấn học tập hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tính vào tiêu chí xét khen thưởng hàng năm.

Cố vấn học tập với những thách thức trong đào tạo theo hệ thống tin chỉ

1. Cố vấn học tập với những thách thức trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, cố vấn học tập có vai trò vô cùng quan trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trong học tập và rèn luyện của sinh viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và thực hiện công tác cố vấn thì cố vấn học tập vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức:

- Cố vấn học tập không nắm được các quy định của quy chế đào tạo tín chỉ, quy định cố vấn học tập,… do các quy chế, quy định này thay đổi và cập nhật thường xuyên mà cố vấn học tập chưa có thời gian tiếp cận được. Việc thay đổi, cập nhật của các quy định, quy chế được gửi qua mail của cố vấn học tập, không có buổi tập huấn cho cố vấn học tập hay đăng tải lên web trường một cách hệ thống. Việc này làm thông tin bị trôi khi cố vấn học tập muốn xem lại các quy định, quy chế.

- Cố vấn học tập vừa làm nhiệm vụ cố vấn vừa thực hiện công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn và công tác khác,… Vì vậy sự quá tải trong công việc tại một số thời điểm làm cho cố vấn học tập không hoàn thành nhiệm vụ cố vấn đúng thời hạn. Cố vấn học tập phải làm rất nhiều công việc, đặc biệt là cố vấn học tập năm nhất (Lấy thông tin sinh viên, bầu ban cán sự lớp, bầu ban chấp hành đoàn, chia tổ, lập nhóm zalo, lấy thông tin nội trú, ngoại, trú, vay vốn của sinh viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn,…). Hàng tháng, cố vấn học tập phải làm báo cáo tháng về tình hình sỉ số, hoạt động phong trào và học tập của lớp cố vấn gửi về khoa, tổ chức sinh hoạt buổi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho lớp cố vấn, họp xét đề nghị xóa tên sinh viên,…Bên cạnh đó,cố vấn học tập còn phải xét điểm rèn luyện của sinh viên và nhập lên hệ thống theo từng học kì,… Và đặc biệt là công tác tư vấn cho các em học tập theo hệ thống tín chỉ như chọn môn học, chọn giảng viên, phương pháp học, kế hoạch học để đạt được kết quả cao nhất, cách học song song hai văn bằng, cách học để tốt nghiệp sớm hơn thời gian quy định,…Những công việc đó chiếm rất nhiều thời gian của cố vấn học tập.

- Những quy định về cố vấn học tập chưa thật hợp lý như yêu cầu cố vấn phải đi quản lý lớp khi sinh viên học tuần lễ học sinh, sinh viên đầu năm hay đi dự các buổi mitting, phong trào của khoa, trường,…Vì cố vấn học tập phải thực hiện công tác giảng dạy nên đôi khi yêu cầu đó chưa thật hợp lý. Mặc khác trong lớp đã có ban cán sự lớp thì nên để các em tự quản lý lớp thì tốt hơn. Chúng ta phải trao trách nhiệm cho ban cán sự lớp, đừng đưa ra những quy định cứng nhắc và bắt cố vấn học tập phải thực hiện theo. Nếu cố vấn học tập có những cách quản lý riêng thì cứ để cố vấn học tập thực hiện. Chúng ta chỉ quan tâm đến kết quả của lớp được cố vấn hiệu quả là được.

- Do công việc quá nhiều nên cố vấn học tập chưa có nhiều thời gian đầu tư cho các buổi sinh hoạt lớp định kì hàng tháng nên thường các buổi gặp lớp thường diễn ra nhanh chóng, có khi cố vấn học tập tranh thủ họp lớp ngay giờ ra chơi. Thời gian sinh hoạt ngắn nên nội dung họp lớp cũng thật súc tích, ít có các hoạt động gây hứng thú cho các em trong buổi sinh hoạt như văn nghệ, trò chơi, các em ngại hỏi những vẫn đề mà các em chưa rõ khi thời gian họp lớp ngắn.

- Cố vấn học tập không quan tâm đến lớp, chỉ làm theo nhiệm vụ chứ không có trách nhiệm, không đặt tình yêu thương vào các em sinh viên mình cố vấn. Có một số cố vấn học tập chưa đặt cái tâm vào việc cố vấn cho sinh viên trong học tập cũng như trong phong trào, chưa thật sự xem công việc mình cố vấn có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của sinh viên nên chỉ làm qua loa cho xong việc. Các phong trào của lớp, cố vấn học tập không quan tâm hay hướng dẫn các em cách thức tham gia mà chỉ gửi các thông báo, hướng dẫn cho ban cán sự lớp. Điều này làm các em không hứng thú trong việc tham gia phong trào của khoa, trường phát động.

- Một số cố vấn học tập không nhớ tên sinh viên mình cố vấn, có khi chỉ nhớ mặt, không nắm được hoàn cảnh gia đình của sinh viên cũng như sở trường của các em. Điều này xảy ra có thể do cố vấn học tập ít gặp lớp để trao đổi các thông tin, có thể chỉ gặp và họp online hoặc do dịch covid 19 và tiêm vacxin covid 19 cũng một phần ảnh hưởng đến điều đó.

- Cố vấn học tập không có quyền truy cập vào web trường để xem kết quả học tập của các em sinh viên. Vào cuối học kì cố vấn học tập được văn phòng khoa gửi kết quả học tập chung của lớp cố vấn về điểm chung bình học kì của từng em. Điều này làm cho cố vấn học tập không chủ động được trong việc tư vấn học tập, định hướng và điều chỉnh học tập cho các em trong thời gian sắp tới.Đặc biệt, cố vấn học tập sẽ khó khăn cho việc tư vấn đối với những sinh viên năm cuối gặp tình trạng cảnh báo học vụ hoặc không đủ điểm để xét tốt nghiệp, những sinh viên này sẽ gặp khó khăn trong quyết định học cải thiện bao nhiêu môn để được tốt nghiệp ra trường.

- Một số cố vấn học tập còn chưa có kinh nghiệm trong việc cố vấn, đôi khi thiếu kĩ năng giao tiếp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết mâu thuẫn giữa sinh viên và sinh viên, sinh viên và giảng viên bộ môn.

- Sinh viên không chú ý khi cố vấn học tập hướng dẫn, khi có vấn đề phát sinh sinh viên thường hỏi cố vấn học tập làm mất thời gian của cố vấn học tập.

- Có nhiều đối tượng sinh viên với các năng lực học tập khác nhau và nơi sinh sống khác nhau. Đôi khi gây cản trở trong quá trình giao tiếp và hướng dẫn sinh viên.

2. Giải pháp nâng cao vai trò của cố vấn học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ2.1. Về phía nhà trường

Khi ban hành những quy định, quy chế mới liên quan đến công tác cố vấn học tập nhà trường nên công khai trên web trường theo thứ tự thời gian. Những quy định, quy chế cũ không còn hiệu lực nữa nhà trường lên gỡ bỏ khỏi trang web trường để cố vấn học tập khi sử dụng tránh nhầm lẫn với cái cũ. Khi trình bày các quy định, quy chế phải theo một trật tự nhất định như nội dung hoặc thời gian.

Nhà trường cần định kì có các buổi tập huấn về công tác cố vấn học tập để các cố vấn nắm được các thông tin mới trong các quy chế, quy định liên quan đến công tác cố vấn học tập.

Nhà trường có thể phân công cố vấn học tập theo hai mô hình. Thứ nhất tuyển nhân viên vào làm chuyên cố vấn học tập, thứ hai là vừa cố vấn vừa giảng dạy. Với mô hình thứ nhất thì cần có những buổi tập huấn chuyên sâu cho những cố vấn mới tuyển dụng để cố vấn nắm được các thông tin về các quy chế, quy định liên quan đến lớp mình cố vấn. Với mô hình thứ hai thì chọn những giảng viên có kinh nghiệm từ 5 năm giảng dạy trở lên và cố vấn đúng chuyên ngành mình đang giảng dạy.

Khoa nên hạn chế thay đổi cố vấn học tập. Chúng ta cần phân một cố vấn học tập cố vấn một lớp cho toàn khóa.

Đối với sinh viên năm nhất, cần phân bổ đồng đều giữa các lớp dựa trên điểm thi để các bạn sinh viên có thể hỗ trợ nhau trong học tập. Vì nếu phân một lớp có sinh viên khá giỏi, một lớp có sinh viên học lực trung bình thì trong quá trình học tập các em không hỗ trợ nhau được. Nên phân chia lớp theo tính ngẫu nhiên theo A, B, C của tên sinh viên phân đều các lớp hay phân theo vùng miền. Và phân công cố vấn học tập theo vùng miền của lớp để cố vấn học tập thuận tiện hơn trong việc giao tiếp.

Nhà trường không nên quy định cố vấn học tập phải theo quản lý lớp trong các buổi học ngoại khóa, tuần lễ học sinh, sinh viên của sinh viên, các buổi mitting,…Vì mỗi cố vấn học tập có những cách quản lý khác nhau. Nếu cố vấn học tập thấy cần thiết thì tham gia còn nếu không cần thiết thì để cho ban cán sự lớp quản lý. Nhà trường nên đề cao tính tự nguyện của cố vấn học tập trong việc này.

Nhà trường nên phân quyền truy cập cho cố vấn học tập có thể xem kết quả học tập của sinh viên.

Thành lập ban cố vấn học tập, trong đó sẽ bầu trưởng ban, phó ban để khi cố vấn học tập có vấn đề nào chưa rõ thì hỏi ban cố vấn học tập.

Khoa, trường cần định kì kiểm tra công tác cố vấn học tập. Định kì có thể là quý, học kì hoặc năm. Kịp thời tuyên dương cố vấn học tập hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông qua các chỉ tiêu kết quả học tập của sinh viên, thành tích phong trào của lớp, kết quả rèn luyện của sinh viên, các hồ sơ cố vấn học tập chuẩn bị,…

Nhà trường cần định kì hàng năm lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về cố vấn học tập thông qua việc khảo sát trực tuyến hay lấy phiếu kín.

Nhà trường nên tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm ở khoa, trường của những cố vấn học tập hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhà trường nên định kì tổ chức cuộc thi về kiến thức cố vấn học tập để tất cả các cố vấn học tập tham gia. Một phần cũng là giúp cố vấn học tập có thời gian tìm hiểu lại các văn bản, quy định, quy chế liên quan đến lớp cố vấn khi thực hiện việc cố vấn.

2.2. Về phía giảng viên làm công tác cố vấn học tập

Cố vấn học tập nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu các văn bản, quy định quy chế để khi các em sinh viên hỏi mình có kiến thức để trả lời các em, tránh trường hợp để các bạn chờ lâu vì cố vấn học tập chưa nắm rõ vấn đề sinh viên hỏi mà phải đi tìm câu trả lời từ cấp trên.

Cố vấn học tập cần triển khai đầy đủ các văn bản liên quan đến quá trình học tập của sinh viên. Hướng dẫn cho sinh viên nắm rõ chương trình đào tạo, quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ, các tính điểm từng học phần và điểm tích lũy ngay từ năm học đầu tiên để tránh xảy ra tình trạng cảnh báo học vụ hoặc không được tốt nghiệp.

Cố vấn học tập phải luôn lắng nghe sinh viên khi có vấn đề mâu thuẫn xảy ra trong sinh viên hoặc giữa sinh viên cố vấn với giảng viên bộ môn. Cố vấn học tập nên là cầu nối giữa hai bên. Muốn làm được như vậy thì cố vấn học tập phải biết lắng nghe từ hai phía và đưa ra quyết định thật sáng suốt để có lợi cho sinh viên mình cố vấn. Vì cố vấn học tập là kênh mà các bạn sinh viên phản ánh chân thật nhất về những khó khăn mà các em gặp phải trong quá trình học tập mà các vấn đề này các em không biết chia sẻ cùng ai.

Cố vấn học tập cần quan tâm, theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên. Nắm rõ tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, công việc làm thêm của sinh viên… để kịp thời giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cố vấn học tập có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các bạn sinh viên cùng lớp, cùng khoa, trường, các đơn vị, doanh nghiệp hay học bổng từ nhà trường.

Trao đổi với giảng viên bộ môn về tình hình học tập của lớp cố vấn để kịp thời giải đáp, đôn đốc, xem xét tình hình học tập để giúp cho các bạn sinh viên học tốt hơn. Có biện pháp giúp đỡ những sinh viên có kết quả học tập thấp, khuyến khích tinh thần tự học của sinh viên như phân nhóm học tập cho các em. Ở mỗi nhóm có những sinh viên học giỏi để hỗ trợ các em trong quá trình học nhóm. Cố vấn học tập có thể phụ đạo thêm cho sinh viên nếu cố vấn học tập có giảng dạy các môn mà các em đang học.

Cố vấn học tập cần triển khai tất cả các phong trào của khoa, trường cho các em sinh viên được biết. Tham gia phong trào cùng các em là một biện pháp tích cực giúp các em hứng thú tham gia các phong trào. Vì khi tham gia phong trào sự hiện diện của cố vấn học tập một phần nào đó giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Liên hệ với đoàn thanh nhiên, đoàn khoa để hỗ trợ cho các em trong việc tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao.Cố vấn học tập nên khuyến khích các em tham gia các buổi ngoại khóa, phong trào văn nghệ, thể thao giao lưu với các lớp trong khoa, các lớp ngoài khóa, các lớp ngoài trường để hình thành sở trường. Khi các em đi làm có thể tham gia văn nghệ, thể thao nơi làm việc vì bất kể cơ quan nào làm việc cũng cần có các hoạt động đi kèm theo.

Cố vấn học tập cần phối hợp với ban cán sự lớp để quản lý lớp một cách chặt chẽ hơn. Khi có vấn đề phát sinh thì cố vấn học tập làm việc thống nhất trước với ban cán sự lớp và triển khai đến lớp sau. Cần phân quyền trách nhiệm cho ban cán sự cũng như trao cho các em quyền tự quyết định các vấn đề mà các em có thể tự giải quyết. Cố vấn học tập cũng không nên can thiệp quá sâu vào lớp cố vấn như vấn đề nào cố vấn cũng quyết định theo ý của cố vấn mà không để các em tự bàn bạc, quyết định. Điều này làm các em cảm thấy áp lực, không tự lập và làm cho khối lượng công việc của cố vấn học tập bị quá tải.

Cố vấn học tập cần tư vấn kĩ về kế hoạch học tập, phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Các cố vấn học tập thường tư vấn kĩ về kế hoạch học tập, phương pháp học tập nhưng nghiên cứu khoa học trong sinh viên còn chưa được chú trọng. Việc tư vấn cho sinh viên nghiên cứu khoa học giúp các em yêu thích ngành học của mình hơn, tư duy được phát triển, giúp các em mạnh dạn hơn sau khi tốt nghiệp đi làm. Cố vấn học tập cần đặt cái tâm của mình vào việc cố vấn cho các em, quan tâm, chú ý về việc học tập cũng như tham gia phong trào của các em nhiều hơn nữa, làm việc có trách nhiệm hơn, yêu thương các em như người thân trong nhà để hướng dẫn. Cố vấn học tập cũng nên ghi nhớ tên sinh viên của mình cố vấn để thể hiện sự quan tâm của mình đến các em. Đó là một biểu hiện của sự chú ý khi cố vấn giao tiếp với sinh viên và thể hiện cố vấn học tập có gặp lớp thường xuyên.

Cố vấn học tập cần cố vấn cho từng nhóm đối tượng. Trong một lớp cố vấn, chúng ta nên chia nhóm nhỏ ra thành từng nhóm. Ví dụ có thể phân nhóm theo khả năng học tập: Nhóm học giỏi, nhóm học yếu, nhóm học giỏi môn tự nhiên, nhóm học giỏi môn xã hội hay phân nhóm theo năng khiếu: Nhóm có năng khiếu thể thao, nhóm có năng khiếu văn nghệ. Các nhóm đều có nhóm trưởng để tiện liên hệ. Việc phân nhóm như vậy giúp cho cố vấn bám sát các đối tượng cố vấn và triển khai kế hoạch, phương pháp học tập nhanh hay vận động các em tham gia phong trào thể thao, văn nghệ cũng dễ dàng vì có nhóm rồi nên lấy những bạn trong nhóm ra để tham gia.

Khi cố vấn học tập nhận nhiệm vụ cố vấn một lớp nào đó cố vấn học tập cũng nên xây dựng nhóm cố vấn trên zalo hay một ứng dụng nào đó để tiện trao đổi với sinh viên cố vấn. Có thể họp online để tránh mất thời gian và ảnh hưởng đến thời khóa biểu học tập của các em. Thời đại công nghệ 4.0 nên cố vấn học tập cũng nên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cố vấn của mình sao cho thật hiệu quả mà tiết kiệm được thời gian công sức của mình cũng như của các em sinh viên.

Cố vấn học tập cần chuẩn bị tài liệu cố vấn như sổ họp, biên bản họp, các tài liệu liên quan đến việc cố vấn… để tiện theo dõi và quản lý lớp cố vấn. Và khi cấp trên yêu cầu báo cáo chúng ta chủ động được các dữ liệu để báo cáo.

Cố vấn học tập cần phân bổ thời gian hợp lý giữa giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác cố vấn học tập.Cố vấn học tập cũng nên dành thời gian cho lớp ít nhất mỗi tháng một lần để họp hoặc họp khi lớp có công việc đột xuất. Cố vấn học tập cần dành thời gian đầu tư nội dung họp lớp cho thật phong phú có thể xen lẫn trong buổi họp lớp là những trò chơi, những bài hát văn nghệ làm tăng tương tác giữa sinh viên và cố vấn học tập.

Cố vấn học tập nên tham gia các buổi tập huấn mà nhà trường tổ chức để trao dồi thêm kinh nghiệm của các cố vấn học tập đi trước và đặc biệt là nắm được các kiến thức liên quan đến công việc cố vấn. Cố vấn học tập cần tìm hiểu thêm về kĩ năng giao tiếp với sinh viên để các buổi họp lớp đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt khi giải quyết mâu thuẫn của sinh viên mình cố vấn thì phải thật bình tĩnh và tự tin để giải quyết vấn đề tốt nhất.

Cố vấn học tập nên thành lập một quỹ và trong đó có các quy định về các trường hợp vi phạm bị đóng phạt, các trường hợp có thành tích xuất sắc được khen thưởng.

2.3. Về phía sinh viên

Sinh viên năm cuối có thể tham gia hỗ trợ cùng cố vấn học tập để cố vấn cho các bạn sinh viên năm thứ nhất.

Sinh viên năm nhất khi bước chân vào giảng đường đại học cần tìm hiểu kĩ về chương trình đạo tạo mà mình đang học, quy chế đào tạo thông qua nhiều kênh như cố vấn học tập, bạn bè, anh chị khóa trên, web trường… Sinh viên nên tham gia đầy đủ các buổi họp lớp. Những vấn đề chưa rõ thì mình trao đổi trực tiếp với cố vấn học tập thông qua các buổi họp lớp định kì. Tránh trường hợp khi mình cần vấn đề gì cũng hỏi cố vấn học tập mà chưa xem xét vấn đề đó cố vấn học tập đã hướng dẫn mình hay chưa. Các em sinh viên không nên quá phụ thuộc vào cố vấn học tập, cần chủ động hơn nữa trong quá trình học tập của mình. Và sinh viên cần xác định rằng cố vấn học tập chỉ đóng vai trò hỗ trợ các bạn sinh viên trong việc học tập.

Ban cán sự lớp nên chủ động tham gia các hoạt động phong trào của trường, khoa, lớp và các hoạt động xã hội nhằm nâng cao hiệu quả trong rèn luyện của sinh viên, giúp lan tỏa tinh thần rèn luyện tình nguyện cho các bạn trong lớp. Giúp cho sinh viên phát triển kỹ năng trong giao tiếp nhằm hỗ trợ trong quá trình làm việc sau này.

Chủ động trao đổi, tham khảo ý kiến của cố vấn học tập về những khó khăn trong học tập và rèn luyện. Xem cố vấn học tập như người thân trong gia đinh, khi gặp những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống hoặc hoàn cảnh gia đình thì nên tham khảo ý kiến của cố vấn nhằm tránh được những tình huống đáng tiếc xảy ra như lơ là việc học, chán nản, bỏ học … điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả cũng như tương lai của sinh viên.

Chủ động hơn nữa trong quá trình học tập của mình, phải biết kết hợp hài hòa giữa việc học và đi làm thêm. Vì mục đích lớn nhất của sinh viên là việc học. Các em nên dành nhiều thời gian cho việc học hơn là đi kiếm tiền. Học theo tín chỉ là phần lớn các em tự học, thầy cô chỉ là người đóng vai trò hướng dẫn.

Kết luận và định hướng nghiên cứu

Cho đến nay, việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ càng trở nên phổ biến đối với quá trình đào tạo của các trường đại học Việt Nam và đây cũng là một định hướng cho sự phát triển giáo dục phù hợp với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Việc chuyển sang hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã gặp không ít khó khăn đối với nhà trường, giảng viên và cả sinh viên của các trường đại học tại Việt Nam. Sự thay đổi này cũng tạo ra nhiều áp lực cho cố vấn học tập. Tại các trường đại học, cố vấn học tập vừa đảm nhận công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa làm cố vấn học tập và những công tác khác. Do đó, chất lượng công tác cố vấn học tập còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong công tác cố vấnnhưng vai trò của công tác cố vấn học tập vô cùng quan trọng trong việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Nó thể hiện ở kết quả học tập và rèn luyện của các bạn sinh viên ngày càng được cải thiện theo thời gian. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp cho nhà trường càng khẳng định vị trí của mình hơn trong nền giáo dục tiên tiến.

Định hướng nghiên cứu tiếp theo chúng ta có thể thực hiện là nghiên cứu về các yếu tố tác động đến hiệu quả của công tác cố vấn học tập tại các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam hay một tỉnh thành nào đó của Việt nam hoặc 1 trường đại học nào đó. Một định hướng nghiên cứu khác mà ta có thể nghiên cứu là mức độ ảnh hưởng của cố vấn học tập đến kết quả học tập của sinh viên qua các năm (sinh viên năm nhất, sinh viên năm 2, sinh viên năm 3, sinh viên năm cuối).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thị Minh Đức (2012), Cố vấn học tập trong các trường đại học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Lý Kiều Hưng (2021), Một số vấn đề lí luận về hoạt động cố vấn học tập tại trường đại học, Tạp chí Khoa học - Đại học Sài Gòn.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT).

Nguyễn Thị Thu Hậu - Trần Thị Kim Ngân (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Bạc Liêu)

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/co-van-hoc-tap-voi-nhung-thach-thuc-trong-dao-tao-theo-he-thong-tin-chi-179230126211703092.htm