Cổ vật ở đền, chùa không cánh mà bay: SOS
Bài toán bảo vệ cổ vật ở di tích từ lâu đã được đặt ra nhưng tới nay vẫn chưa có đáp án.
Một đi không trở lại
Trong 1 tháng gần đây, đã có 26 cổ vật ở đền, chùa trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị kẻ gian lấy cắp. Tại chùa Bối Khê, kẻ gian đột nhập lấy đi pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen. Đình Đại Định bị kẻ gian cắt khóa, phá cửa lấy đi hai bộ chấp kích, gồm 16 hiện vật, cùng hai đỉnh đồng, hai cây nến đồng và một bình sứ cổ. Cuối tháng 3/2020, một chuông đồng và hai bát hương của chùa Dư Dự cũng bị mất...
Trước đó không lâu, tại Nam Định, hàng loạt cổ vật bị mất trộm. Đình làng Hạ Xá (huyện Vụ Bản) trong một đêm kẻ gian đã đột nhập lấy đi toàn bộ 16 đạo sắc phong quý, bỏ lại các bản sắc phong photo tại hiện trường. Không lâu sau đó, tại thành Nam, đình làng Nhị Thôn bị kẻ gian đột nhập lấy mất 10 đạo sắc phong. Điều đáng nói là những đạo sắc phong này đã được cất khá cẩn thận với 3 lớp khóa bảo vệ.
Dư luận từng xôn xao khi chùa Bổ Ðà (Bắc Giang) bị lấy cắp pho tượng Quan Âm gỗ có niên đại khoảng 200 năm ngay trước ngày đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đình Thổ Hà bị kẻ trộm lấy đi một bộ chấp kích cổ 8 chiếc, 1 kiếm thần, 1 nồi hương, 1 đôi hạc đồng... Tất cả những cổ vật, hiện vật có giá trị bị trộm kể trên đều chưa được tìm thấy.
Giải pháp nào?
Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) vừa có công văn gửi Sở VH-TT Hà Nội đề nghị truy tìm số cổ vật, hiện vật bị mất. Cục đề nghị Sở kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp, đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng tổ chức truy tìm để trả lại hiện vật bị mất cắp cho di tích, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc.
Nhiều ý kiến cho rằng cổ vật, hiện vật quý bị mất trong thời gian gần đây vì đối tượng xấu đã lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ít người tới đình, chùa nên đã ra tay. Bên cạnh đó, lực lượng trông coi đền, chùa mỏng và đa phần là người cao tuổi nên khi kẻ gian đột nhập thì việc phát hiện, truy bắt rất khó khăn. Chưa kể, chế độ chi trả cho người trông coi đền, chùa chỉ vài trăm nghìn một tháng nên độ “nhiệt tình” của họ cũng có giới hạn. Hiện nay, nhiều đền, chùa cũng chưa có hệ thống camera giám sát.
Là địa phương có nhiều vụ trộm cổ vật, theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Giang, để thực hiện tốt công tác bảo vệ di vật, cổ vật, các ban quản lý di tích cần trang bị camera giám sát để thuận lợi cho việc truy tìm cổ vật nếu không may bị mất cắp. Mặt khác, chính quyền địa phương quan tâm huy động nguồn xã hội hóa để chi trả chế độ thỏa đáng cho người trông coi, thành viên ban quản lý di tích cơ sở, đồng thời gắn trách nhiệm cho từng thành viên. Ngoài ra, lực lượng công an cần tăng cường công tác phối hợp, tích cực đấu tranh, điều tra đưa một số vụ việc ra ánh sáng, xử lý nghiêm để tạo tính răn đe.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký Văn bản gửi Giám đốc Công an thành phố điều tra việc mất trộm cổ vật tại Hà Nội. Cụ thể là điều tra tình trạng trộm cắp cổ vật, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu có) liên quan đến việc bảo vệ di tích trên địa bàn; tăng cường tuần tra, canh gác, hướng dẫn việc lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-vat-o-den-chua-khong-canh-ma-bay-sos-n174187.html