Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên tại Ninh Bình
Ngày 18/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên tại tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết, Thái Nguyên là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng-Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng.
Nơi đây sở hữu hệ thống di tích lịch sử văn hóa có giá trị để phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Tỉnh có hơn 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; gần 300 làng nghề, hơn 230 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao; có thành phần dân tộc phong phú, đa dạng gồm 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, H'Mông, Hoa. Các dân tộc còn lưu giữ được nhiều những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống.
Cùng với đó, Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Với điểm chung cùng thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều tài nguyên du lịch, văn hóa phong phú, đa dạng, sự liên kết giữa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam,… sẽ góp phần hỗ trợ nhau trong chuỗi liên kết phát triển du lịch. Từ đó, quảng bá và khai thác tốt hơn tiềm năng của du lịch Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tìm hiểu một số chương trình tour du lịch kích cầu kết nối giữa Thái Nguyên với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đồng thời, các đại biểu thảo luận, trao đổi làm rõ hơn một số khó khăn, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm, góc nhìn thực tế để khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch các tỉnh; đặc biệt là việc kết nối, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm, tạo thương hiệu cho du lịch Thái Nguyên.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 khách du lịch quốc tế đạt 300.000 lượt; tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng-giải trí khu vực Hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo, thu hút đầu tư sản phẩm du lịch hang động mạo hiểm-thể thao trở thành sản phẩm độc lập, có sức hấp dẫn cao...
Ngoài ra, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, quan tâm đào tạo nhân lực du lịch; đồng thời, tích cực triển khai các hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Hội nghị giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm du lịch của tỉnh Thái Nguyên; qua đó liên kết, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển du lịch, xây dựng các tour tuyến mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đưa du lịch các tỉnh và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng phát triển hiệu quả, bền vững hơn.