Cổ vật vô giá triều Nguyễn: Bài 7 - Xe kéo tay của mẹ vua Thành Thái về nước sau 100 năm lưu lạc
Những biến cố của lịch sử như chiến tranh, loạn lạc... đã làm thất lạc một lượng lớn cổ vật cung đình ra nước ngoài. Thật may trong số đó có xe kéo tay của mẹ vua Thành Thái đã 'hồi hương' sau 100 năm lưu lạc.
Để có phương tiện cho mẹ mình là Hoàng Thái hậu Từ Minh dạo chơi trong vườn Thượng Uyển, vua Thành Thái đã cho phép chế tạo một chiếc xe kéo tay do các nghệ nhân ở hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội, Bắc Kỳ chế tạo.
Năm 1907, sau khi bị phế truất vua Thành Thái đã bán chiếc xe kéo tay lại cho Prosper Jourdan, là viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ nhà vua với giá 400 đồng. Sau này viên thanh tra này về nước đã mang theo chiếc xe kéo sang Pháp và lưu giữ tại nhà riêng của mình.
Sau khi nghe tin Pháp tiến hành bán đấu giá chiếc xe kéo, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia đấu giá và đã thành công mua lại với giá 55.800 Euro.
Không chỉ có được cổ vật lịch sử, việc đấu giá chiếc xe kéo này là sự kiện đầu tiên ghi nhận Việt Nam đấu giá thành công và đưa cổ vật từng là của đất nước quay trở về sau khi lưu lạc tại nước ngoài. Và để vận động đủ số tiền trên đã có sự đóng góp không nhỏ của người dân trong nước và bà con kiều bào ở nước ngoài.
Cụ thể, khi tham gia cuộc đấu giá UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ phải bỏ ra 42.800 Euro (khoảng 1 tỷ đồng), còn lại là do sự đóng góp của bà con trong nước và bà con kiều bào.
Sau khi phiên đấu giá kết thúc, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (Paris, Pháp) đã yêu cầu quyền ưu tiên để nước sở tại mua lại cổ vật với giá ngang bằng. Trước nguy cơ cổ vật bị “tuột” khỏi tầm tay, Bộ Ngoại giao và Bộ VHTT&DL nhanh chóng “can thiệp” để Bảo tàng Guimet không tranh chấp mua chiếc xe kéo này nữa, nhờ thế mà cuộc đấu giá xe kéo thành công.
Sau khi các thủ tục phiên đấu giá được thực hiện xong, chiếc xe kéo đã được vận chuyển bằng đường máy bay từ Pháp về quê hương.
Sáng sớm ngày 17/4, chiếc xe kéo đã chính thức có mặt tại sân bay Nội Bài - Hà Nội sau hơn 100 năm thất lạc ở nước ngoài. Sau đó chiếc xe kéo tiếp tục được vận chuyển bằng xe ô tô về Huế và được trưng bày tại cung Diên Thọ là nơi ngày xưa chiếc xe từng ở đó.
Theo hồ sơ, chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh có chiều cao 136cm, dài 230cm, rộng 102cm, được làm bằng gỗ lim. Phần chạm khảm xà cừ do các nghệ nhân nổi tiếng ở làng Kinh Lược - Hà Nội đảm nhận với hoa văn được chạm khắc tinh xảo cho thấy sự khéo léo của các nghệ nhân ngày ấy. Trên xe kéo còn ghi xuất xứ của nơi chế tác là hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội, Bắc Kỳ.
Ông Phan Thanh Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (hiện là Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế), người có công lớn trong sự kiện này từ ngày đầu đến nay cho hay: “Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa vì lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật về lại quê hương.
Thành công ấy có sự đóng góp về vật chất và tinh thần của cộng đồng bà con Việt kiều tại Pháp và một số doanh nghiệp trong nước. Thành công ấy còn là kết quả sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao mà trực tiếp là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp”.
Có ý kiến cho rằng, tất cả chi phí cho chiếc xe kéo này là 1,7 tỷ đồng là giá khá cao đối với một cổ vật. Nhưng TS. Phan Thanh Hải giải thích rằng, khi so sánh các xe kéo còn lại ở Việt Nam, đây có thể xem là 1 trong những chiếc xe kéo đẹp nhất, quý nhất, tinh xảo nhất.
Hơn nữa, cổ vật còn hàm chứa những giá trị đặc biệt khi được vị vua yêu nước Thành Thái đặt mua tặng cho mẹ mình là Hoàng thái hậu Từ Minh. Có nghĩa chiếc xe này gắn liền với những nhân vật đặc biệt đầu thế kỷ 20. Sau khi vua Thành Thái bị phế truất ngôi, chiếc xe đã bị bán và đưa ra nước ngoài từ năm 1907. Đến nay xe đã có hơn 100 năm lưu lạc.
“Chúng tôi đánh giá xung quanh chiếc xe còn có những câu chuyện rất đặc sắc có giá trị lịch sử và văn hóa. Trong tương lai, chiếc xe sẽ là một trong những cổ vật rất đáng quý của Triều Nguyễn và của Huế”, ông Hải nói.
-> Mời quý độc giả đón đọc Bài 8: Sư bà dùng 7 lượng vàng mua lại kinh Kim Cang