Có việc là gọi đến... hòa giải viên

Anh Lưu Đình Khang, SN 1981, trú tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết, là hòa giải viên trẻ tuổi, anh tham gia công tác hòa giải ban đầu rất lo lắng, nghĩ mình trẻ tuổi, kinh nghiệm ít nên đi hòa giải sẽ gặp khó khăn nhưng nhờ cách làm việc, phân tích có tình, có lý nên anh được người dân tin tưởng.

Trao đổi với PV, anh Lưu Đình Khang, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn 6 xã Song Phương cho biết, anh tham gia tổ hòa giải ở thôn từ năm 2016 với tư cách là hòa giải viên. Từ năm 2016 đến nay, tổ hòa giải thôn 6 đã hòa giải được rất nhiều vụ việc, trong đó có mâu thuẫn về đất đai, mâu thuẫn gia đình, hàng xóm láng giềng,... Phần lớn các vụ việc cần hòa giải, anh Khang đều tham gia. Trải qua nhiều năm làm hòa giải, các thành viên của tổ hòa giải thôn 6 ngày càng được trao dồi kỹ năng cũng như cách hòa giải thành công về các vụ việc mâu thuẫn. Điển hình, trong năm 2019, tổ hòa giải của thôn 6 hòa giải được 4-5 vụ thành công và có một 1-2 vụ phải nhờ chính quyền xuống tác động vì có liên quan đến đường làng ngõ xóm, đất công. Không có vụ hòa giải không thành công trên địa bàn thôn.

Anh Lưu Khang

Anh Lưu Khang

Chia sẻ về thời điểm đầu tham gia hòa giải, anh Khang cho hay, năm 2016, được sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân thôn 6, anh được bầu làm trưởng thôn và từ đó, anh tham gia vào tổ hòa giải thôn 6. Thời điểm đầu, lại là người trẻ tuổi đi làm công tác hòa giải viên nên anh Khang cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhất là về mặt tâm lý.

Mọi người trong xóm vui vẻ múc bùn đất ứ đọng tại cống rồi đôn cao cống cho nước chảy ngược lên phía đê.

Mọi người trong xóm vui vẻ múc bùn đất ứ đọng tại cống rồi đôn cao cống cho nước chảy ngược lên phía đê.

Anh nghĩ mình trẻ tuổi, nói chuyện và hòa giải nhiều vụ việc đều là những người lớn tuổi, họ hàng vế trên nên công việc sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số người trong thôn còn nói anh “vác tù và hàng tổng” nên thời điểm đầu tham gia công tác anh cũng gặp vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm và không ngừng cố gắng, học hỏi, anh Khang đã cùng thành viên tổ hòa giải thôn 6 hòa giải được rất nhiều vụ mâu thuẫn trong thôn xóm, đem lại tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó mọi người với nhau.

Chính vì thế, anh Khang được người dân trong thôn tin tưởng, quý mến và anh ngày càng thấy yêu mến, gắn bó với công việc trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 6. Để làm được hòa giải như ngày hôm nay, anh Khang cũng phải cố gắng rất nhiều bởi vợ đi làm ăn xa, một mình anh chăm hai con ở nhà. Bên cạnh đó, anh cũng phải phân tích và nói chuyện với mọi người trong gia đình để ủng hộ anh làm tốt công tác hòa giải trong thôn xóm.

Trong những năm làm công việc hòa giải của mình, có rất nhiều vụ việc hòa giải thành nhưng có 2 vụ việc anh Khang thấy dấu ấn của hòa giải viên đậm nét nhất đó là trường hợp, hai anh em xây nhà, quay mặt tiền ra phía đê và mặt đằng sau ở ngõ xóm. Sau đó, gia đình xây chìa ra đằng sau ngõ xóm. Thấy vậy, cả xóm đã báo cáo trưởng thôn. Trong cuộc chuyện, mọi người kể lại, hai anh em kia chia sẻ thông tin ngày xưa ông cha có hiến đất cho xóm nên giờ có thể đòi lại. Nhiều người dân trong xóm nghe xong thấy bất bình nên đã tìm sổ sách, chứng minh cha ông của hai anh kia không hiến đất cho xóm. “Tổ hòa giải chúng tôi đã mời cả xóm và hai anh em ra nhà văn hóa thôn họp 3 lần, thuyết phục và vận động hai bên. Bên nào không nghe thì nhờ địa chính thông tin về đất. Sau đó, cả hai bên đều nghe ra vấn đề và mọi người không còn kiện cáo nữa”, anh Khang nói. Theo anh Khang, sự việc trên đã được hòa giải kịp thời, chưa xảy ra xô xát trên địa bàn. Nguyên nhân chỉ là chấp nhau lời nói bởi mọi người đều là gốc ở đây.

Một trường hợp khác, cả xóm có cống thoát nước và theo độ cao thì nhà ở gần đê sẽ là cao nhất và cứ chảy dần xuống nhà thấp ở dưới chân đê. Tại ngõ này, chỉ cách khu đất của 1 gia đình là chảy ra được cống thoát nước chung của xóm. Tuy nhiên, gia đình có đất kia không cho mọi người xây cống thoát nước qua khiến cuối ngõ đó bị đọng nước đen, bốc mùi hôi thối, kéo dài khiến mọi người khu vực này thường xuyên phản ánh lên thôn xóm mà không làm gì được.

Mọi người trong xóm đã họp lại và đưa ra phương án trả tiền cho gia đình có đất chắn cống thoát nước để xây cống ra mương thoát nước chung. Lúc đầu, gia đình này đồng ý với mức giá 30 triệu, rồi 60 triệu, 100 triệu đồng và hơn thế nữa. Mỗi nhà trong xóm vận động mỗi nhà đóng góp 1 ít rồi mang sang nhà kia nhưng họ lại không đồng ý và sự việc cứ thế kéo dài. Tổ hòa giải nhận được phản ánh, vào thuyết phục gia đình kia nhưng họ nhất quyết không nghe.

Do vậy, tổ hòa giải thôn cùng Trưởng thôn họp người dân trong xóm và bàn giải pháp. Sau đó, mọi người xin thống nhất nâng cao khu vực cuối ngõ để chảy ngược nước ra phía chân đê và mọi người vui vẻ đồng ý, góp tiền, tôn đường giải quyết dứt điểm sự việc khiến nước đọng hôi thối kéo dài. Theo lãnh đạo UBND xã Song Phương, năm 2019, trên địa bàn xã có 8 tổ hòa giải đã thực hiện hòa giải 23 vụ việc. Kết quả có 19/23 vụ việc được các Tổ hòa giải thành đạt 82,6%, 2 vụ chuyển tòa án, 3 vụ đang giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong dân cư, các hòa giải viên đã chủ động phối hợp với các ông, bà trưởng phó thôn tiến hành vận động, hòa giải giữa các bên, không để phát sinh mâu thuẫn lớn.

Về kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở đã quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở: ''Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở”.

Liên ngành Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP ngày 30-7-2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có quy định mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở như sau:

- Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): Mức chi tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

- Hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở: Mức chi bằng 5 tháng lương cơ sở.

- Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải): Mức chi tối đa 100.000 đồng/tổ hòa giải/tháng.

- Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên: Mức chi tối đa là 70.000 đồng/người/buổi.

- Chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên: Mức chi tối đa 10.000 đồng/người/buổi.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-viec-la-goi-den-hoa-giai-vien-196386.html