Cổ vũ, động viên khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số

Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu (gọi tắt là Lễ tuyên dương) tối ngày 28/12/2024, tại Hà Nội, do Ủy ban Dân tộc phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức không chỉ là một sự kiện để vinh danh những thành tích cá nhân, mà còn là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực cho các vùng miền núi, DTTS. Từ năm 2013 đến nay, Lễ tuyên dương đã tạo ra một sự kiện mang tính chất biểu tượng, khích lệ tinh thần vươn lên của hàng nghìn học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS; đồng thời, góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, đáp ứng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành với sự nghiệp giáo dục, đào tạo tại vùng DTTS và miền núi. Ảnh: Cẩm Linh

Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành với sự nghiệp giáo dục, đào tạo tại vùng DTTS và miền núi. Ảnh: Cẩm Linh

Truyền cảm hứng vươn lên cho nhiều thế hệ người trẻ vùng dân tộc thiểu số

Lễ tuyên dương được tổ chức hàng năm là dịp để tôn vinh những cá nhân đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội. Đây là cơ hội để ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của các em, đồng thời khích lệ, tạo động lực cho thế hệ trẻ DTTS phấn đấu vươn lên, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Từ năm 2013 đến nay, Lễ tuyên dương đã tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng DTTS, đặc biệt là trong việc khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của các dân tộc. Tôn vinh những thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS không chỉ là sự khẳng định giá trị của tri thức, mà còn là sự khích lệ tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Được biết, tính đến năm 2023, sau 10 kỳ tuyên dương, đã có 1.317 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương. Những con số này không chỉ là sự ghi nhận thành tích của cá nhân, mà còn là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của cộng đồng DTTS trong suốt một thập kỷ qua. Các em không chỉ đạt thành tích cao trong học tập, mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, giúp đỡ cộng đồng và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Chương trình tuyên dương không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thành tích cá nhân, mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng các DTTS. Những câu chuyện về hành trình vượt khó, về những người trẻ dám nghĩ, dám làm và luôn nỗ lực không ngừng trong học tập, lao động đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho hàng triệu người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các tấm gương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS đã chứng minh rằng, dù trong điều kiện khó khăn đến đâu, việc theo đuổi tri thức vẫn là con đường chắc chắn nhất để mở ra cơ hội đổi đời và tạo dựng một tương lai tươi sáng.

Có thể khẳng định rằng, chương trình đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng các DTTS, khuyến khích các em học sinh, sinh viên và thanh niên không chỉ phấn đấu trong học tập, mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển cộng đồng và đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Năm nay, Lễ tuyên dương bước vào năm thứ XI tổ chức, với sự tham gia của 125 học sinh, sinh viên, thanh niên từ 33 DTTS. Đặc biệt, trong năm nay, chương trình tuyên dương các tấm gương tiêu biểu đến từ 39 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, có những em đến từ các dân tộc có khó khăn đặc thù và dân tộc rất ít người. Đây là những em học sinh, sinh viên, thanh niên xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, tham gia các hoạt động cộng đồng và có đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng DTTS.

Khẳng định sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị

Tối 28/12/2024, Lễ tuyên dương đã được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội... Sự tham gia, có mặt động viên các em học sinh, sinh viên vùng DTTS của các đồng chí lãnh đạo thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các vùng khó khăn, gian khổ, biên giới, hải đảo.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho hay, những năm gần đây, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. “Các cháu đến từ những vùng đất xa xôi, nơi điều kiện học tập còn hạn chế, đã không ngừng phấn đấu để theo đuổi ước mơ và làm giàu tri thức của mình. Đối với các cháu, đường đến trường xa xôi, gập ghềnh, trắc trở; hành trang đến trường không chỉ có sách vở, mà còn có gạo, mắm, muối, chăn bông; thời gian bắt đầu đi bộ đến trường khi gà mới gáy. Trong hoàn cảnh đó, để đi học đều và lên lớp như bạn bè đã là cố gắng vượt bậc. Nhưng để trở thành học sinh giỏi, đạt giải quốc gia hay thủ khoa đại học đòi hỏi nỗ lực phi thường. Các cháu đã thực sự là tấm gương sáng về nghị lực và khát vọng vươn lên” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.

“Các cháu hãy mở rộng tầm nhìn, trau dồi cả tri thức trong sách vở và trong thực tế cuộc sống; trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong hành trình học tập và phát triển, dẫu sau này có tiến bộ đến đâu cũng không bao giờ được quên gốc rễ của mình. Hãy tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành người gìn giữ, lan tỏa, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương; hướng đến tương lai để xây dựng quê hương, phát triển dân tộc mình. Hãy lấy những kiến thức và kỹ năng các cháu đã tích lũy, đang học, sẽ tiếp thu làm hành trang để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình, cộng đồng và dân tộc mình; tự tin, mạnh mẽ, nắm bắt tri thức tiên tiến đang là xu thế định hình thế giới như trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ gợi mở.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành tập trung triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về phát triển giáo dục; đào tạo đội ngũ giáo viên tâm huyết, sẵn sàng gắn bó với vùng cao; duy trì và mở rộng các trường dân tộc nội trú; cung cấp các khoản tài trợ như sách giáo khoa, đồng phục, bữa ăn học đường.

Được biết, hiện nay, cả nước có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1.213 trường phổ thông dân tộc bán trú. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 58%. Hệ thống các trường chuyên biệt đã và đang làm thay đổi về chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đạt trên 60%. Đặc biệt, trên 97% học sinh các trường này tốt nghiệp trung học phổ thông và có nhiều em đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng nhờ thành tích đặc biệt.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-vu-dong-vien-khat-vong-vuon-len-cua-the-he-tre-nguoi-dan-toc-thieu-so-post485398.html