Có 'vũ khí' nào để đi tiếp chặng đường hôm nay?
Nhà báo Thế Thanh tâm sự với tôi: 'Năm mươi năm trước, ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất, đồng nghĩa với hòa bình, kết thúc chiến tranh. Năm mươi năm tiếp theo là sự chiến đấu cho tiến bộ và phát triển. Như vậy mới có ý nghĩa cho bao hy sinh để có ngày thống nhất'.
Tôi thấy quá đúng với bao trăn trở của toàn dân trước đòi hỏi thay đổi hôm nay. Lễ kỷ niệm này là ta sắp bước tiếp chặng 50 năm nữa. “Vũ khí đi lên” là những gì để thành công hiển hách như xưa đã từng?
Những trang giấy ố vàng biết nói
Đã có nhiều pho sử sách về các cuộc kháng chiến. Nhưng hôm nay tôi giở lại bọc thư nhà giữ mấy chục năm qua và nhận ra ý nghĩa mới của bao kỷ niệm và dĩ vãng mà nhà nào cũng có, đang cất giữ. Đó là thư của hai người em trai, một ở chiến trường Quảng Trị và một em trai út từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
Em trai tôi - Nguyễn Hữu Lập - kỹ sư của Bộ Tư lệnh Công binh - lên đường vào chiến trường Quảng Trị 1972 lúc khốc liệt nhất.
Ngày cuối cùng trên đất Bắc, bộ đội đóng ở nhà dân để chuẩn bị lên đường. Tôi vào thăm chia tay, đem quần áo em đi giặt. Nước mắt tôi lã chã rơi xuống cầu ao khi nghĩ rằng có thể đây là lần cuối...

“Sức mạnh vượt thoát để thành công thì Việt Nam vẫn có, chỉ cần chúng ta tin tưởng, mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ hãi để tiến lên phía trước”. Trong ảnh: đại diện các tầng lớp xã hội tại TP.HCM tham gia hợp luyện diễu binh ngày 18.4.2025. Ảnh: Nam Anh
Thư em viết kể đường hành quân - như bao điều ta đã biết. Em là trinh sát nên đi xe tiền trạm đầu tiên, còn tiểu đoàn sẽ đi sau. Thư em Lập viết:
“Xa Hà Nội chừng 50km là bắt đầu rừng núi. Bắt gặp Sông Đà như một dải lụa lấp lánh quanh co… rồi cũng vào sâu Nghệ An, quê anh Việt nhà ta đây. Mắc võng dưới rừng cây nhưng không ngủ được…”.
“Máy bay đến bắn. Qua phà. Con đường khó đi. Vắng tanh vắng ngắt, núi non hiu quạnh. Biệt kích nhảy dù… Những kho dọc đường cháy rừng rực vì bị trúng bom Mỹ…”.
“Đi qua con đường chắc người nhà ta đã làm (Lập theo nghề cầu đường). Thương bố mình cũng là chỉ huy bộ đội lặn lội nơi đâu. Đến Khe Tang (ôi cái tên… toán học biết bao). Gặp những barie kiểm soát nơi hoang vu (ôi thương quá - những ngọn đèn chong mắt đêm thâu)…”.
“Giấu xe vào cánh rừng. Mấy “con ma” của địch trinh sát ngó nghiêng. Bụi đất bay lả tả vào đầu. Bom nó réo quanh mình. Mà dưới bụi cây, nhóm trinh sát vẫn lúi húi ăn trưa. Miễn là địch không phát hiện... Tự nhiên thấy là mình không thể chết được”...
Có cả lá thư dài gửi ra từ chiến trường mà em say sưa “thử viết lại đoạn kết chuyện “cô gái làm ren Nachia của Paustovsky” (tác giả Liên Xô ngày ấy được gần như cả một thế hệ đọc và mê đắm).
Em đã trở về sau 1975. Nay là “bác cựu chiến binh” sống ở Hà Nội, đang hàng ngày chiến đấu với… bệnh tật, hóng tin con cháu (đã thành những đứa trẻ đoạt nhiều giải quốc tế, được học bổng đi học xa nhà). Chúng chẳng biết chuyện ngày xưa. Chẳng đọc Paustovsky...
Tập thư nhà nữa tôi giở ra - là sau ngày đất nước thống nhất 4 năm. Em trai út tôi - Nguyễn Quốc Bình viết về việc em tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 chống quân Trung Quốc xâm lược.
Em ra trận trong đoàn “đi lên biên giới” gồm 40 cán bộ, giáo viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Bình trẻ nhất đoàn: thiếu úy, kỹ sư mới ra trường năm 1978. Công việc ra trận lần này là lính thông tin giúp các đơn vị về kỹ thuật chuẩn bị tác chiến, kết hợp tìm các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ chiến đấu.
Bình huấn luyện việc trực máy, lội bộ đi kiểm tra các trạm vô tuyến, lên chỉ huy sở, ở nhà dân hoặc trong lán của tổng đài. Lần đầu tiên sống trong tiếng pháo địch bắn rất gần, ăn muối rắc ngô đựng trong cái chậu quân dụng, học tiếng người dân tộc, vào rừng hái măng…
Có khi phải cắt rừng rút xuống khi giặc tràn vào. Có bận phải dời chỉ huy sở 5 lần trong một ngày gay go nhất.
Lần đầu tiên nghe tiếng pháo quân Trung Quốc bắn gần và kéo dài dữ dội và tiếng nổ thì đời tôi mới nghe một lần khi B.52 ném bom Hà Nội. Em đọc thơ Phạm Tiến Duật “...thế đấy ở chiến trường - nghe tiếng bom… rất nhỏ” và lấy lại tinh thần.
Trong chiến đấu, chàng “lính mới” vẫn làm thơ. Và khi một mình đi bộ xuống phố Ràng lại nhớ tác phẩm Trận Phố Ràng của Trần Đăng học phổ thông. Bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...” em đã nghe vẳng ra từ cabin chiếc xe tải đang ì ạch leo dốc đường Hữu Nghị 7 lên Yên Bái…
Kể sao cho hết sức mạnh ra trận của các thế hệ trong quá khứ.
Như nhiều gia đình trong chiến tranh, cha tôi - đại tá Nguyễn Chất, chỉ huy trưởng quân sự thành phố Hải Phòng những năm kháng chiến chống Mỹ và hai con trai ra chiến trường. Việt Nam có nhiều gia đình như thế.
Tôi ngẫm nghĩ: mọi thành công của kháng chiến là do hai điều thuộc về phẩm chất văn hóa: bản chất yêu nước, lòng dũng cảm của dân tộc Việt Nam và có được giới lãnh đạo giỏi giang, sáng suốt, yêu thương, kính trọng nhân dân.

Cờ Tổ quốc trên nóc hội trường Thống Nhất ngày 27.4, sự kiện tổng duyệt cấp Nhà nước diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Nguyễn Á
Hát tiếp khúc ca “đường ra trận mùa này đẹp lắm”
Tôi rơi nước mắt ngồi đọc những lá thư chiến tranh ấy trong cuộc sống quay cuồng hôm nay: cả nước đang khẩn trương vào cuộc “tháo điểm nghẽn cơ chế”, bước vào cuộc vươn mình với bao bận rộn khẩn trương: tinh giản, sáp nhập, đẩy mạnh vai trò kinh tế tư nhân… Bao nhiêu việc phải tiến hành, xem xét những vấn đề nảy sinh, những gì đang cản trở sự phát triển. Đụng chạm bao số phận con người khi tinh giản bộ máy cồng kềnh. Đâu là cơ chế cho người tài tham gia? Làm mới sửa đổi luật, lo kinh phí, phát triển kinh tế - xã hội, tác động tâm lý người dân. Nhiệm vụ xây dựng xã hội công nghệ cao, phát triển…
Giữa “cơn bão đổi mới quyết liệt này”, trong bối cảnh thế giới cũng “biến đổi đầy bão giông”, chỉ cần đọc thông tin cũng đủ… “thối não” (brain rot - từ của năm 2024). Cách mạng công nghệ long trời lở đất đang lo “sẽ đến lúc AI thao túng được cảm xúc con người, chân lý cảm xúc lấn át sự thật”.
Giờ đây chúng ta rất cần sự lạc quan tin tưởng, mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ hãi để tiến lên phía trước như những ngày xưa ra trận giữa bốn bề đạn bom, sống chết mà vẫn thấy “mùa này đẹp lắm”.
Những cuộc cãi vã khổng lồ quanh cuộc chiến tranh Nga - Ukraina, toan tính của nhiều phía chia chác, các chính sách chóng mặt của Tổng thống Trump mà có người Mỹ nói “như cú đấm vào bụng”. Cuộc sắp xếp lại ở Việt Nam, các thay đổi mà có người ví là “long trời lở đất” đưa đất nước thoát vòng trì trệ, tìm đường phát triển, mạnh mẽ hơn mọi cuộc đổi mới đã từng diễn ra. Tất cả những điều đó tạo ra nhiều cảm xúc, hy vọng và lo lắng cùng bao nhiêu tranh luận thuận, nghịch chiều.
Câu hỏi đặt ra là: Để bước vào cuộc chiến mới này, Việt Nam cần những gì?
Tôi nghĩ câu trả lời đã có trong hai đáp số giúp Việt Nam trong quá khứ giành thống nhất đất nước: người dân yêu nước và giới lãnh đạo tuyệt vời, biết thương dân tộc mình đã trải bao nhiêu thương đau. Hai yếu tố thuộc phẩm chất văn hóa cơ bản này làm nên chiến thắng vĩ đại của chúng ta.
Hôm nay đúng là đang cần “truyền thống hai yếu tố con người” đó.

Hàng trăm lá cờ được cắm đều nhau dọc bờ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đoạn qua phường Tân Định (quận 1, TP.HCM) dịp 30.4. Ảnh: Thanh niên Việt
Mà không phải xa lạ gì. Năm 1947 vừa bước vào kháng chiến cụ Hồ đã viết cuốn Sửa đổi lối làm việc, đã tiên tri những vấn đề của hôm nay như tư cách và đạo đức cách mạng, vấn đề cán bộ, cách lãnh đạo, chống thói ba hoa.
Giật cả mình khi đọc, cứ tưởng như cụ Hồ cảnh báo và “đi guốc trong bụng” người hôm nay: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương đều dễ tìm việc… phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân…” (Sửa đổi lối làm việc, NXB Công Dân, Nam Định - 1949). Cụ Hồ không thể chứng kiến và hình dung ra những quan chức hôm nay xơi hàng ngàn tỷ, giơ một ngón tay ra hiệu là 1 triệu đô Mỹ!
Những xấu xa có trong đất nước chúng ta là một sự thật. Đám quan tha hóa vào lò - đều được học tập Bác Hồ rất kỹ. Nhưng chúng học mà không thuộc, học mà không nhập tâm, xem việc học tập không phải để tu dưỡng rèn luyện mà chỉ là để hợp thức hóa việc bổ nhiệm, đề bạt...
Nhưng sức mạnh vượt thoát để thành công cũng đang có ngay chính trong con người Việt Nam ta. Vì đã thành phẩm hạnh dân tộc để tồn tại trong vô vàn nghịch cảnh. Giờ đây chúng ta rất cần sự lạc quan tin tưởng, mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ hãi để tiến lên phía trước như những ngày xưa ra trận giữa bốn bề đạn bom, sống chết mà vẫn thấy “mùa này đẹp lắm”.
Điều này tưởng chừng rất “phi lý” nhưng xét cho cùng lại rất hợp lý...