'Cỗ xe tam mã': Lời giải cho bài toán tăng trưởng
i dịch Covid-19 đã và đang khiến nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương và cần được 'điều trị'. Để bảo đảm tăng trưởng, 'phương thuốc' được Thủ tướng Chính phủ đề ra là phải thúc đẩy 'cỗ xe tam mã' gồm 3 cấu phần là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
“Chìa khóa” giúp nền kinh tế sớm hồi phục
Dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực đến toàn nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam đã có những phương án nhằm kiểm soát dịch, nhưng tác động này vẫn đang kéo dài dai dẳng trên thế giới với những diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi do chưa dự báo được thời điểm kết thúc.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế đưa ra hai kịch bản: Nếu đại dịch bùng phát lần 2, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm gần 8%, còn nếu tránh được dịch bùng phát lần hai thì giảm khoảng 6%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm đến 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái năm 1929 - 1933, trong khi đại khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 chỉ giảm 1,73%. Trong báo cáo cập nhật ngày 24/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh (4,9%). Tại Việt Nam, ảnh hưởng của Covid-19 đã rõ hơn khi trong quý II chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%...
Nhiều dự báo cho thấy, thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ không còn có thể phụ thuộc hoàn toàn vào hai động lực tăng trưởng truyền thống là: sức cầu ngoài nước và tiêu dùng của tư nhân. Bởi lẽ, với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 2, các gia đình sẽ tiết kiệm chi tiêu, dẫn tới nhu cầu khả năng thanh toán bị suy giảm mạnh. Trong khi các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn còn duy trì ở mức cao, thì các cửa hàng bán lẻ, doanh số đang sụt giảm từ 40% - 70%, dẫn tới việc phải đóng cửa hoặc chuyển sang ngạch khác để bù đắp khó khăn. Ngành du lịch sẽ mất đi 20 triệu du khách quốc tế dự kiến sẽ đến với Việt Nam trong năm 2020. Ngành công nghiệp chế tạo chế biến cho xuất khẩu sẽ phải đối mặt với tình trạng các đơn hàng nước ngoài tiếp tục giảm. Xuất khẩu các mặt hàng liên tục suy giảm trong sáu tháng qua, và xu hướng đi xuống vẫn tăng trong những tháng gần đây…
Việc đưa “cỗ xe tam mã” phát triển nhanh và vững chắc, giải quyết những khiếm khuyết trong đầu tư xuất khẩu và tiêu dùng xã hội được cho là giải pháp để kích thích phát triển kinh tế sau dịch. Nếu xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trong 6 tháng cuối năm thì sẽ góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm, tăng thu nhập và kích thích tiêu dùng xã hội. Nhất là các kênh đầu tư, xuất khẩu được mở ra thì các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển dòng vốn nhiều hơn vào Việt Nam, từ đó kéo theo sức tăng trưởng về tiêu dùng trong cả người dân và doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Điều này mới giúp nền kinh tế sớm khôi phục sau dịch và đạt được những hiệu quả nhất định.
Giải pháp nào để thúc đẩy “cỗ xe tam mã”?
Câu chuyện thúc đẩy “cỗ xe tam mã” sẽ không đơn giản chỉ là khẩu hiệu, hô hào mà cần các bộ, ngành, từng lĩnh vực kinh tế có các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế được thực hiện quyết liệt như chống dịch. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trong thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc nắm sát tình hình thực tế là yêu cầu bức thiết của từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, từng doanh nghiệp, từng địa phương, biết khó khăn ở đâu, ách tắc chỗ nào, điểm nghẽn ra sao, từ đó có giải pháp phù hợp.
Dịch bệnh là cơ hội để Việt Nam nhìn lại điểm yếu của nền kinh tế, từ đó có những biện pháp khắc phục. Ảnh: Hoàng Hà.
Như về xuất khẩu, hiện nhiều quốc gia lớn trên thế giới vẫn đang trong cao điểm về dịch bệnh, nên việc mở cửa thị trường, bình thường hóa các quan hệ thương mại sẽ khó khăn hơn. Do đó, hoạt động đầu tư, xuất khẩu ít nhiều gặp khó khăn. Việc cần làm hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, mở ra những thị trường mới. Cùng với đó là xây dựng phương án thúc đẩy đầu tư thì phải có giải pháp thực tế như: tăng thêm nguồn vốn, giảm chi phí kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư… Hay như việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn và đầu tư, tăng đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA để làm đầu tư “mồi”, đầu tư kết nối cho các doanh nghiệp trong nước… Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã thực thi để gia tăng xuất nhập khẩu, gia tăng thu hút vốn FDI, cũng như mở rộng thị trường đến các nước.
Còn về tiêu dùng cần giải “bài toán” phải phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội. Để nâng cao sức cầu của xã hội thì cần phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lý nhằm kích thích chuỗi phát triển ngày càng bền vững. Những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần thông thoáng, ít chi phí và thời gian, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, khuyến khích các đơn vị làm ăn nghiêm túc đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ở góc độ đầu tư công, đây được coi là việc nên làm để đạt mức tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu vẫn khó khăn khi bệnh dịch chưa chấm dứt trên thế giới. Đầu tư công sẽ mang lại nhiều hiệu quả khi tiền “bơm” vào sẽ được nền kinh tế “hấp thụ”. Bơm tiền bằng kênh tiền tệ chưa chắc đã hấp thụ hết nhưng qua tài khóa – đầu tư thì đó sẽ là cú hích quan trọng, tạo công ăn việc làm, giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất và tạo bầu không khí lạc quan. Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không phải là việc “vẽ” ra các dự án mới mà chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm, những dự án đã có vốn sẵn. Nhất là, thúc đẩy đầu tư công là cần thiết nhưng không phải thúc đẩy bằng mọi giá, mà vẫn phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là hiệu quả. Đây cũng là giải pháp mà nhiều nước đã thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế, qua đó đã đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-xe-tam-ma-loi-giai-cho-bai-toan-tang-truong-post93113.html