Cố ý không trả nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
* Bạn đọc hỏi: bà Đặng Thị Dung và bà Nguyễn Thị Minh Tuyến, cùng trú Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hỏi: chúng tôi và một số tiểu thương khác có cho bà Trần Thị L. (chồng bà L. không biết) vay tiền từ năm 2017.
* Bạn đọc hỏi: bà Đặng Thị Dung và bà Nguyễn Thị Minh Tuyến, cùng trú Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), hỏi: chúng tôi và một số tiểu thương khác có cho bà Trần Thị L. (chồng bà L. không biết) vay tiền từ năm 2017. Trong thời gian đầu, bà L. có trả lãi và gốc rồi sau đó vay lại. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, bà L. không chịu trả lãi cũng như gốc. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu bà thanh toán nhưng bà cứ nói rằng khi nào bà có điều kiện thì bà sẽ trả. Vậy, chúng tôi muốn biết chồng bà L. có trách nhiệm trả khoản nợ này hay không và bà L. có chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong (Trưởng CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng) trả lời: Thứ nhất, việc xác định chồng bà L. có chịu trách nhiệm trả khoản nợ này hay không tùy thuộc vào mục đích vay và thực tế sử dụng tiền vay của bà L. Theo quy định của pháp luật, tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ, chồng; nợ được hình thành trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung của vợ, chồng. Tuy nhiên, không phải mọi khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đều là nợ chung của vợ, chồng. Cụ thể, căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, chồng bà L. có thể từ chối trả nợ nếu ông chứng minh được bà L. vay "không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình".
Thứ hai, với nội dung vụ việc được nêu, chưa đủ cơ sở để xác định bà L. có chịu trách nhiệm hình sự hay không. Bà Dung, bà Tuyến và một số tiểu thương khác có thể tham khảo quy định liên quan tại Điểm a, Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015: "1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả".