Có ý kiến cho rằng tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng, hiệu phó là cần thiết

Vừa qua, dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học thu hút rất nhiều sự quan tâm của giáo viên.

Dự thảo Thông tư quy định về chế độ làm việc vẫn giữ nguyên định mức của hiệu trưởng 02 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 04 tiết/tuần [1], nhưng tại phần b câu 20 của khảo sát trên phần mềm Temis có nội dung [2]: "Dự thảo Thông tư dự kiến tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mỗi vị trí 02 tiết (hiệu trưởng 04 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 06 tiết/tuần). Lí do: Với quy định dạy này đảm bảo cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết của môn học cho 01 lớp".

Nội dung này cũng được giáo viên, lãnh đạo các trường quan tâm bàn thảo sôi nổi.

Người viết đã trao đổi với nhiều giáo viên trong đơn vị và không ít ý kiến giáo viên nêu ý kiến đồng ý với với đề xuất tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng và hiệu phó lên 02 tiết/tuần vì những lý do sau:

Thứ nhất, các trường học đã và đang chuyển đổi số. Các thiết bị công nghệ thông tin đã được cấp đầy đủ, hiệu quả quản lý đã được nâng lên rất nhiều.

Định mức hiệu trưởng 02 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 04 tiết/tuần chỉ phù hợp với trước đây, khi quản lý nhà trường bằng "tay", chưa có công nghệ thông tin hỗ trợ, nên ban giám hiệu mất nhiều thời gian cho công tác quản lý.

Thực tế hiện nay, cùng một công việc, trước đây mất thời gian hàng ngày, hàng tuần để làm, hiện nay hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chỉ cần vài cái kích chuột công việc đã được giải quyết.

Việc chuyển đổi số ở trường học đã giảm áp lực, thời gian cho cán bộ quản lý rất nhiều nếu nhà trường thực hiện nghiêm túc.

Việc tăng định mức tiết dạy 02 tiết/tuần sẽ giúp hiệu trưởng, hiệu phó có thêm thực tế để đưa ra chỉ đạo chuyên môn phù hợp, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ hai, lý do như khảo sát đưa ra (Với quy định dạy này đảm bảo cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết của môn học cho 01 lớp) là căn cứ rất hợp lý. Người viết lấy ví dụ minh chứng cụ thể ở tiểu học để cho bạn đọc dễ hiểu, số tiết học quy định theo bảng sau:

 Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Để phù hợp với số tiết quy định như hiện nay hoặc như dự thảo Thông tư, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tiểu học chỉ có thể dạy các môn học, hoạt động giáo dục ít tiết; môn Tiếng Việt hoặc môn Toán có số tiết trong chương trình lớn hơn nhiều so với tiết định mức của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Nếu chỉ dạy các môn học ít tiết, hoạt động giáo dục, không dạy môn Tiếng Việt, môn Toán, lãnh đạo nhà trường sẽ khó có cái nhìn toàn diện về chương trình cũng như tình hình học tập của học sinh.

Người viết đã tham khảo nhiều trường tiểu học, chưa thấy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học nào dạy môn Tiếng Việt hoặc môn Toán.

Khi được hỏi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tại sao không dạy môn Toán hay Tiếng Việt, đều có câu trả lời chung, đó là do tiết tiêu chuẩn ít, không phù hợp, khó phân thời khóa biểu, nên giao cho giáo viên chủ nhiệm dạy.

Tư duy ngược một chút, có thể đặt câu hỏi: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không dạy môn Toán, Tiếng Việt có nắm được nội dung, mục tiêu chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý không? Nhiều giáo viên chia sẻ với người viết rằng, điều này là khó.

Thực tế, giáo viên tiểu học giỏi hay chưa giỏi, đơn giản nhất là đánh giá qua năng lực dạy học môn Toán hay môn Tiếng Việt.

Theo quan điểm của người viết, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không có thời gian trau dồi, bồi dưỡng kĩ năng, phẩm chất dạy học môn Toán hay môn Tiếng Việt thì khó có thể chỉ đạo tốt chuyên môn, nên mới có hiện tượng không bao giờ thấy ban giám hiệu hội giảng.

Thứ ba, số tiết định mức cho hiệu trưởng 02 tiết là quá ít, sẽ dẫn đến việc phân công chuyên môn mang tính đối phó, cho có, để lách luật, giúp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có đủ điều kiện hưởng phụ cấp nghề nghiệp.

Thực tế, có hiệu trưởng khi phân công chuyên môn đầu năm có tên mình trong danh sách dạy trực tiếp, trong thời khóa biểu có, nhưng thực tế lại do giáo viên khác dạy. Người dạy thay hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thường cũng không phải chịu thiệt thòi. Bởi họ sẽ được "khấu trừ" qua các hoạt động khác. Việc này là nguồn cơ cho những khiếu nại, ý kiến xì xèo trong nội bộ trường. Nếu số tiết dạy đủ lớn, chắc chắn việc lãnh đạo đứng tên hồ sơ nhưng lại do giáo viên dạy thay sẽ giảm.

Hy vọng, sau khi tổng hợp các ý kiến của giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó thông qua khảo sát trên Temis về nội dung trên, cơ quan soạn thảo Thông tư sẽ có thêm số liệu để làm căn cứ cho việc ban hành chính sách.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1654

[2]https://temis.csdl.edu.vn

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-y-kien-cho-rang-tang-dinh-muc-tiet-day-cua-hieu-truong-hieu-pho-la-can-thiet-post243895.gd