Có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức
Cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn
Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn được triển khai sâu rộng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt là mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2018 - 2020, các Bộ ngành, địa phương đã triển khai 60 mô hình, dự án thí điểm về phát triển ngành nghề nông thôn và 100 mô hình thuộc Chương trình khuyến công quốc gia. Mở các lớp tập huấn cho 500 cán bộ quản lý Nhà nước về ngành nghề nông thôn, 800 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn, đồng thời, đào tạo khởi nghiệp cho hơn 5.700 học viên.
Nhờ sự vào cuộc chủ động của các Bộ ngành, địa phương, đến năm 2020, cả nước có trên 817.000 cơ sở cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nông thôn, trong đó có 9.459 DN, 3.382 HTX, 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình; tăng 119.000 cơ sở so với năm 2017 - thời điểm trước khi có Nghị định số 52.
Chia theo 7 nhóm nghề quy định tại Nghị định số 52 thì nhóm sản xuất sản phẩm thủ công, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, theo ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc chiếm số lượng lớn nhất với 35,3% tổng số cơ sở. Tiếp đến là nhóm các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 24,1%; nhóm bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản 23%...
Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (tương ứng 20,5%) so với năm 2017. Thu nhập bình quân đạt 4 – 5 triệu đồng/lao động/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.
Thực hiện Nghị định số 52 của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một số địa phương đã quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Hàng năm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội chợ. Triển khai được 51 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; 42 nhiệm vụ hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ cho phát triển ngành nghề nông thôn.
Hà Nội gặt hái được nhiều kết quả tích cực
Sau hai năm triển khai Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Hà Nội đã gặt hái được những kết quả rất tích cực.
Theo đó, ngay từ trước khi Nghị định số 52 được ban hành, TP Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Cụ thể như: Quyết định số 554/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 14/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP Hà Nội…
Sau khi Nghị định số 52 được ban hành, UBND TP đã sớm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Khẩn trương rà soát, xác định có 4 nhóm ngành nghề của Hà Nội được quy định tại Nghị định số 52, từ đó có định hướng hỗ trợ phát triển phù hợp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đến nay, toàn TP có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Những năm qua, các làng nghề có sự tăng trưởng khá nhanh về doanh thu và giá trị sản xuất.
Nhiều sản phẩm làng nghề đã được UBND TP công nhận là sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp mang lại doanh thu lớn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động nông thôn.
Theo PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 52 của Chính phủ, thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng các làng nghề, phân nhóm ngành nghề theo Nghị định số 52, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển gắn với bảo tồn.
Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực cho ngành nghề nông thôn. Thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn gắn với định hướng mục tiêu của Chương trình OCOP.
Sở NN&PTNT sẽ đề xuất UBND TP ưu tiên phê duyệt các dự án và nguồn vốn đầu tư theo giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống…